Thiếu chất bán dẫn - rủi ro lớn đối với sự phục hồi kinh tế của EU
Tình trạng thiếu chất bán dẫn đã đặt ra một trong những rủi ro lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế của EU sau đại dịch COVID-19. Năm ngoái, EU đã công bố các kế hoạch đầu tư khoảng 20% quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19 trị giá 750 tỷ euro vào các dự án kỹ thuật số.
Trong bài phát biểu về chính sách tại Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg (Pháp), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nêu rõ: "Kỹ thuật số là một vấn đề 'được ăn cả, ngã về không'.
Chúng tôi sẽ đệ trình một kế hoạch mới nhằm xây dựng một hệ sinh thái chip bán dẫn hiện đại ở châu Âu, trong đó bao gồm cả công đoạn sản xuất. Việc này đảm bảo an ninh về nguồn cung và sẽ phát triển các thị trường mới cho công nghệ mang tính đột phá của châu Âu".
Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng năng lực sản xuất chất bán dẫn của châu Âu có thể vướng phải những trở ngại, trong đó có việc tiếp cận nguồn khoáng sản đất hiếm ở những nước ngoài EU, cũng như các công ty không muốn mạnh tay đầu tư trừ phi họ có thể vận hành hết công suất của các nhà máy sản xuất chất bán dẫn nhằm tăng lợi nhuận.
Trước tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn, chính phủ các nước như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, cũng đang đầu tư mạnh tay để tăng nguồn cung trong nước.
Mới đây, Hàn Quốc đã công bố khoản đầu tư khổng lồ lên đến 451 tỷ USD trong một nỗ lực trở thành “gã khổng lồ” của lĩnh vực chất bán dẫn, trong khi Thượng viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu thông qua khoản trợ cấp 52 tỷ USD cho các nhà máy sản xuất chất bán dẫn.
Chip bán dẫn là thành phần quan trọng của thiết bị điện tử hiện đại và có thể được tìm thấy trong hàng nghìn sản phẩm được sử dụng hàng ngày, bao gồm ô tô, máy tính, điện thoại thông minh và thiết bị y tế…
Những con chip này là bộ não của tất cả các thiết bị điện tử. Chúng thực hiện các chức năng khác nhau, từ các tác vụ lặp đi lặp lại như bộ nhớ và bộ vi xử lý đến các tác vụ phức tạp như trí tuệ nhân tạo, học máy và đồ họa cao cấp.
Hiện tại, sự thiếu hụt toàn cầu về chip bán dẫn do vô số yếu tố gây ra, bao gồm cả đại dịch COVID-19. Sự thiếu hụt này đã tác động tiêu cực đến việc sản xuất hàng hóa, từ điện thoại thông minh đến máy chơi game và ô tô.
Nguồn cung chip không thể được bật - tắt bằng một công tắc do các nhà máy sản xuất vi mạch trị giá hàng tỷ USD được thiết kế để hoạt động 24/7 và 365 ngày một năm.
Việc thay đổi dây chuyền sản xuất cho một mẫu chip mới có thể mất từ vài tuần đến vài tháng, chưa kể việc bổ sung năng lực chế tạo đĩa bán dẫn (wafer) mới khiến nhà sản xuất mất hằng năm và tiêu tốn hàng tỷ USD.