|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chất lượng thông tin tín dụng: Yếu tố thiết yếu cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng

07:47 | 26/11/2019
Chia sẻ
Theo Báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020 vừa công bố, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam cải thiện đáng kể và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Cụ thể, chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam ở mức 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 7 bậc so với năm 2019, đứng thứ 2 trong ASEAN (chỉ sau Brunei), cao hơn khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nước có thu nhập cao khu vực OECD.

Chất lượng thông tin tín dụng: Yếu tố thiết yếu cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng - Ảnh 1.

Ông Cao Văn Bình, Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC)

Báo cáo cũng đưa ra đánh giá Việt Nam tiếp tục cải thiện độ phủ thông tin tín dụng (TTTD) công đạt 59,4%/ dân số trưởng thành. Chất lượng TTTD cải thiện được xem là yếu tố quan trọng giúp nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam. Thời báo Ngân hàng đã có trao đổi với ông Cao Văn Bình, Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) xung quanh vấn đề này.

Ông nhìn nhận thế nào về những kết quả mà WB đưa ra tại báo cáo?

Báo cáo Môi trường kinh doanh đánh giá khả năng tiếp cận tín dụng thông qua hai nhóm chỉ số: Chỉ số sức mạnh quyền pháp lý (đo lường các yếu tố hỗ trợ việc cho vay dựa trên cơ sở các quy định về xử lý đối với tài sản đảm bảo và phá sản doanh nghiệp) và Chỉ số chiều sâu TTTD (đo lường, đánh giá các quy định và thông lệ ảnh hưởng tới độ phủ, phạm vi và khả năng tiếp cận đối với TTTD thông qua một cơ quan đăng ký tín dụng). 

Do đó, kết quả xếp hạng cao tại báo cáo đã thể hiện mức độ hiệu quả của hệ thống TTTD tại Việt Nam trong việc hỗ trợ người dân vay vốn.

Kết quả này cũng ghi nhận những thành công của Hệ thống TTTD quốc gia nói chung và của CIC nói riêng. CIC đã và đang đưa hoạt động TTTD ngày càng minh bạch và là nguồn thông tin quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần tạo sự bình ổn cho thị trường tiền tệ và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch cho hệ thống ngân hàng.

Báo cáo của WB cũng ghi nhận Việt Nam đạt điểm tối đa của tiêu chí Chiều sâu TTTD (8/8 điểm) tại cấu phần phân phối dữ liệu từ các nhà bán lẻ, góp phần cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đạt 80/100 điểm. Ông có thể nói rõ thêm vai trò của CIC?

Cấu phần chiều sâu TTTD của Việt Nam đạt điểm tối đa 8/8 do đã cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng qua việc phân phối dữ liệu thu thập được từ các nhà bán lẻ. Cấu phần Chỉ số sức mạnh quyền pháp lý của Việt Nam giữ nguyên mức 8/12 so với kỳ báo cáo trước. Để đạt được sự nhảy bậc dài nhất từ trước đến nay, CIC đã nhiều năm liên tục nỗ lực mở rộng thu thập dữ liệu từ các nhà bán lẻ, các đối tác tự nguyện tham gia hệ thống TTTD theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Với sự quyết liệt trong nhiều năm, đến năm 2019 CIC đã thu thập và tích hợp vào báo cáo TTTD các thông tin từ 3 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam (FPT shop, Akulaku và Mobivi). Các nỗ lực thu thập và cung cấp thông tin từ các nhà bán lẻ của CIC đã được WB ghi nhận và thể hiện trong kết quả đánh giá chỉ số tiếp cận tín dụng - một chỉ số quan trọng trong đánh giá Môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Cụ thể hơn, việc mở rộng dữ liệu kho TTTD  đã và đang được CIC triển khai như thế nào? Kế hoạch của CIC thời gian tới?

Hiện nay, CIC đã thu thập được TTTD từ toàn bộ 123/123 đầu mối TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Chính sách xã hội định kỳ hàng tháng. Cơ sở dữ liệu của CIC cũng đã bao gồm 4/4 tổ chức tài chính vi mô chính thức, 1.164 quỹ tín dụng nhân dân và 45 tổ chức tự nguyện (bao gồm Ngân hàng Phát triển, quỹ bảo vệ môi trường, quỹ đầu tư, công ty đầu tư tài chính và các đơn vị bán lẻ) theo mẫu quy định tại Thông tư 03/2013/TT-NHNN ban hành quy chế hoạt động TTTD của NHNN.

Ngoài ra, CIC tiếp tục phối hợp và thu thập thông tin từ VAMC; mở rộng kho dữ liệu thông qua trao đổi thông tin chuyên sâu về doanh nghiệp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; xây dựng đề án kết nối hạ tầng kỹ thuật với Bộ Công an - C06 nhằm xác minh thông tin về khách hàng vay có đồng thời cả chứng minh nhân dân và số thẻ căn cước công dân.

Tính đến tháng 11/2019, tổng số khách hàng vay được cập nhật vào kho dữ liệu TTTD quốc gia là trên 42,1 triệu khách hàng vay (trong đó trên 1,1 triệu khách hàng pháp nhân và gần 40,9 triệu khách hàng thể nhân).

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng kho dữ liệu TTTD quốc gia cả về chiều rộng và chiều sâu, CIC đã đặt ra những kế hoạch, mục tiêu cụ thể. Theo đó tăng cường, phát triển hệ thống công nghệ, cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng tăng của toàn bộ các đối tượng sử dụng TTTD theo quy định. 

Đi cùng với đó là tăng cường mở rộng kết nối với các đơn vị trong và ngoài ngành Ngân hàng để thu thập các nguồn thông tin, đặc biệt là các thông tin ngoài ngành về thuế, bảo hiểm hoặc viễn thông... làm phong phú thêm nguồn dữ liệu đầu vào. Nghiên cứu, phát triển, phối hợp với các tổ chức TTTD trong và ngoài nước để bắt kịp những xu hướng mới trong khu vực về dữ liệu thay thế, trao đổi thông tin xuyên biên giới.

Theo ông, cần những giải pháp cụ thể ra sao để tiếp tục cải thiện và nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam?

Đối với bảng xếp hạng mới nhất về điểm số tiếp cận tín dụng, chỉ số chiều sâu TTTD tuy đã đạt điểm tối đa (8/8) nhưng dư địa cải cách của chỉ số chiều sâu quyền pháp lý còn nhiều (còn có thể tăng được tối đa 4 điểm). 

Để tiếp tục cải thiện chỉ số này và tăng cường bảo vệ cho quyền của người vay và người cho vay, các thủ tục pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo, giao dịch tài sản đảm bảo, xử lý các nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay khi phá sản, thủ tục thực hiện cưỡng chế cần phải được cải tiến theo các khuyến nghị của WB.

Việc thực hiện cải thiện các chỉ số này cũng cần sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án Nhân dân Tối cao.

Về phía NHNN, CIC nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 08/01/2019 về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng. 

Trong đó có các vấn đề liên quan đến tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, thông qua các giải pháp duy trì và mở rộng kho dữ liệu TTTD quốc gia đến các đối tượng trong và ngoài ngành Ngân hàng, các dịch vụ tiện ích (điện, nước, viễn thông) và mạng lưới bán lẻ.

Tôi tin rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ cùng với nỗ lực của các cơ quan, bộ, ban, ngành, chỉ số chiều sâu quyền pháp lý sẽ sớm được cải thiện, góp phần đáng kể trong việc cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Khôi