Chấp thuận kết quả nghiệm thu đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sẵn sàng đưa vào khai thác
Trong cuộc họp chiều 29/10 của Hội đồng kiểm tra Nhà nước, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - Chủ tịch Hội đồng - thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình có điều kiện của chủ đầu tư để đưa công trình đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác giai đoạn đầu. Việc chấp thuận kết quả nghiệm thu được 9/9 thành viên hội đồng thống nhất, theo báo Chính phủ
Phát biểu sau cuộc họp của Hội đồng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc Hội đồng chấp thuận kết quả nghiệm thu đánh dấu giai đoạn mới của dự án.
Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã căn cứ báo cáo của chủ đầu tư, các chủ thể tham gia vào công trình, báo cáo kết quả khắc phục tồn tại của dự án, kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư, báo cáo đánh giá của tổ chuyên gia và kết quả kiểm tra hiện trường.
Bộ trưởng Xây dựng - Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý chủ đầu tư là Bộ GTVT phải phối hợp chặt chẽ với UBND Hà Nội và các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra hệ thống thiết bị phục vụ vận hành trước khi bàn giao đưa vào khai thác; rà soát các điều kiện vận hành và phương án xử lý tình huống có thể phát sinh, nhất là các phát hiện đã được Tư vấn ACT khuyến cáo.
Trong quá trình vận hành, Hanoi Metro có trách nhiệm hướng dẫn để người dân làm quen với loại hình giao thông mới nhằm đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả dự án.
Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Hanoi Metro cho biết đơn vị đã sẵn sàng tiếp nhận và vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đơn vị cũng đã báo cáo UBND thành phố về kế hoạch khai thác trong giai đoạn đầu vận hành của dự án.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 27/10, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT nhanh chóng hoàn thành các công đoạn còn lại của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để bàn giao cho Hà Nội trước ngày 10/11.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13 km với 12 nhà ga trên cao. Dự án được khởi công tháng 10/2011 và có tiến độ hoàn thành tháng 6/2015.
Đến nay, dự án đã trải qua 10 năm thi công với 12 lần lỡ hẹn. Mức đầu tư phê duyệt ban đầu của dự án là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD), đến nay đã điều chỉnh tăng lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD), tăng 57%. Dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công.