|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chào thầu cao tốc Bắc-Nam: Khó hấp dẫn nhà đầu tư?

08:10 | 15/05/2019
Chia sẻ
Việc Chính phủ Việt Nam không bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá... khiến chuyên gia cho rằng khó hấp dẫn được nhà đầu tư.

Bộ GTVT đã chính thức phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế sơ tuyển tìm nhà đầu tư cho 5/8 đoạn cao tốc thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông để kêu gọi vốn tư nhân.

Hồ sơ mời thầu đã đưa ra một số thông tin có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư khi trúng thầu triển khai dự án như vấn đề chuyển nhượng dự án, thu phí, giải quyết các tranh chấp, thời hạn ký kết hợp đồng tín dụng, đặc biệt Chính phủ Việt Nam không bảo lãnh cho việc triển khai đầu tư, vận hành dự án (như bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá,…) theo các quy định cụ thể tại hợp đồng dự án và quy định hiện hành...

Việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư, theo hồ sơ mời thầu, sẽ sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang 100 điểm. Trong đó, số điểm đáp ứng yêu cầu qua vòng sơ tuyển là từ 60 điểm trở lên và các điểm thành phần đạt từ 60% trở lên. Về yêu cầu kinh nghiệm nhà đầu tư, hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà đầu tư phải từng tham gia đầu tư dự án giao thông, hoặc dự án kết cấu hạ tầng.

Trong đó, các dự án từng tham gia phải có tổng vốn đầu tư bằng 50% vốn dự án đang kêu gọi đầu tư; phần vốn nhà đầu tư từng góp vào dự án đó bằng 20% giá trị vốn góp vào dự án đang mời thầu. Trường hợp nhà đầu tư từng là nhà thầu thi công chính của các dự án trước đây, thì tổng vốn dự án đã tham gia phải bằng tối thiểu 30% vốn giá trị xây lắp của dự án đang xét…

Bình luận về các yêu cầu đối với nhà đầu tư trong hồ sơ chào thầu, một số chuyên gia cho biết, các dự án đều chào thầu quốc tế nên nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đều có thể tham gia. Tuy nhiên, nhìn vào một số yêu cầu cụ thể, các ý kiến tin rằng khó có thể hấp dẫn được nhà đầu tư.

Chào thầu cao tốc Bắc-Nam: Khó hấp dẫn nhà đầu tư? - Ảnh 1.

Các yêu cầu về nghĩa vụ của nhà đầu tư khi trúng thầu dự án cao tốc Bắc-Nam

PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Đại học GTVT Hà Nội tính toán, tổng vốn đầu tư 5 đoạn đã bán hồ sơ mời thầu lên tới hơn 52.400 tỷ đồng (tương đương hơn 2,2 tỷ USD). Trong đó, vốn tư nhân phải rót vào các dự án hơn 32.700 tỷ đồng, số còn lại do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Như vậy, bình quân mỗi dự án, nhà đầu tư bỏ ra hơn 6.000 tỷ đồng mà hiện nay các công trình có tầm vốn đầu tư như vậy ở Việt Nam tư nhân đã làm rất nhiều. Do đó, xét về khả năng huy động vốn, kỹ thuật, doanh nghiệp Việt hoàn toàn đáp ứng được.

Một trong các nghĩa vụ nhà đầu tư khi trúng thầu triển khai dự án phải đáp ứng, đó là nếu sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng sẽ bị hủy hợp đồng và tịch thu phần đảm bảo thực hiện hợp đồng. Về yêu cầu này, theo PGS.TS Nguyễn Quang Toản, là có phần rộng rãi. Lẽ ra sau 3 tháng nhà đầu tư không ký được hợp đồng tín dụng thì phải hủy hợp đồng để Bộ GTVT còn đấu thầu lại.

"Những quy định về nghĩa vụ của nhà đầu tư khi trúng thầu chỉ là những quy định thông thường. Điểm khắt khe chính là Chính phủ Việt Nam không bảo lãnh cho việc triển khai đầu tư, vận hành dự án, như bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá... Đó là vấn đề khó khăn đối với nhà đầu tư và đây cũng chính là điểm không hấp dẫn nhà đầu tư vì rủi ro.

Hiện nay, ở nhiều dự án BOT xảy ra tình trạng thua lỗ. Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, gần một nửa số dự án BOT giao thông do cơ quan này quản lý bị hụt doanh thu, không ít dự án đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn.

Bây giờ Việt Nam bán quyền thu phí một số dự án BOT giao thông đã hoàn thành cho nhà đầu tư nước ngoài, họ cũng yêu cầu bảo lãnh tỷ giá và bảo lãnh doanh thu nhưng phía Việt Nam từ chối. Cho nên, các nhà đầu tư phải tính toán rất kỹ, tránh trường hợp đường làm xong mà người dân lại không đi thì nhà đầu tư chỉ có nước phá sản", PGS.TS Nguyễn Quang Toản nói.

Cũng cho ý kiến về những chi tiết trong hồ sơ mời thầu quốc tế tìm nhà đầu tư cao tốc Bắc-Nam, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn công nghệ quản lý và xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, nhận xét, nhà đầu tư có năng lực tài chính là có thể đảm đương được nhưng họ sẽ chỉ tham gia khi tính toán được lợi suất thu từ dự án BOT là rất lớn, nếu ngược lại thì đương nhiên nhà đầu tư sẽ không mặn mà. Chưa kể trong trường hợp này, nhà đầu tư phải chịu rủi ro về tỷ giá do Chính phủ Việt Nam không bảo lãnh, khiến giá họ bỏ thầu sẽ rất cao.

Hồ sơ mời thầu cũng hoàn toàn mở cửa cho các nhà đầu tư liên danh. Trong trường doanh nghiệp trong nước chưa đủ lớn để làm những dự án lớn thì có thể hợp lực, hình thành các liên danh để dự thầu.

Vị chuyên gia cũng tán thành khi Bộ GTVT đặt ra điều kiện năng lực về vốn đối với các nhà đầu tư  tham gia đấu thầu cao tốc Bắc-Nam, ngoài yêu cầu về kinh nghiệm. Theo đó, nhà đầu tư phải có giá trị tài sản ròng của năm tài chính liền kề bằng 20% giá trị phần vốn góp của nhà đầu tư vào dự án tham gia; có vốn pháp định (vốn điều lệ) bằng ít nhất 20% giá trị phần vốn góp của nhà đầu tư vào dự án. Trường hợp nhà đầu tư là liên danh từ nhiều doanh nghiệp, tổng năng lực, giá trị tài sản, vốn pháp định phải đạt được điều kiện trên.