|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chân dung Chứng khoán AIS - Công ty đứng thứ 6 về thị phần môi giới phái sinh

19:00 | 05/10/2023
Chia sẻ
Chứng khoán AIS trở lại danh sách 10 đơn vị có thị phần môi giới phái sinh lớn nhất trong quý III/2023. Công ty chứng khoán này do ai sở hữu và đang kinh doanh ra sao?

Ai đang sở hữu Chứng khoán AIS?

Theo dữ liệu được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố, CTCP Chứng khoán AIS đứng thứ 6 về thị phần môi giới chứng khoán phái sinh với 2,99%. Trước đó, công ty chứng khoán này từng lọt bảng xếp hạng với 2,26% thị phần, xếp hạng thứ 8 trong quý II/2022. Sự xuất hiện của AIS trong khi thị phần của VPS bất ngờ giảm sâu khiến giới đầu tư quan tâm đến hoạt động của công ty chứng khoán này.

Theo tìm hiểu, AIS tiền thân là CTCP Chứng khoán Đông Dương (DDS) được thành lập vào tháng 9/2007. Đến tháng 5/2019, DDS được đổi tên thành CTCP Chứng khoán AIS. Trong năm 2018, nhóm cổ đông cũ của Chứng khoán Đông Dương gồm ông Phan Trường Sơn, ông Nguyễn Thanh Phong - cổ đông sáng lập đã sang tay cho các nhà đầu tư cá nhân.

Sau khi về tay nhóm chủ mới, vốn điều lệ của AIS cũng tăng từ 155 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng như hiện tại. Cơ cấu cổ đông AIS tại ngày 30/6, bà Nguyễn Ngô Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc nắm giữ 14,76 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 9,84% và ông Trần Tiến Thăng, thành viên Hội đồng Quản trị nắm giữ 14,66 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 9,78%. Các lãnh đạo AIS còn lại không nắm giữ cổ phần.

Khác với nhiều công ty chứng khoán nghìn tỷ khác, cấu trúc cổ đông của AIS khá phân mảnh, không có cổ đông hay tổ chức nắm đủ lượng cổ phần chi phối. Tuy nhiên, sự xuất hiện của một số người trong nhóm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần từng khiến giới đầu tư đồn đoán về mối quan hệ với giới chủ của một công ty chứng khoán có thị phần môi giới hàng đầu thị trường hiện nay.

(Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ BCQT AIS 6 tháng đầu năm 2023).

Tình hình kinh doanh của Chứng khoán AIS

Về hoạt động kinh doanh, Chứng khoán AIS định hình theo mô hình sử dụng công nghệ, không sử dụng môi giới. Tổng số nhân sự của công ty tính đến cuối tháng 6/2023 là 44 người, chỉ bằng 1/4 lượng lao động của các đơn vị cùng quy mô vốn.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế của AIS khởi sắc hậu đổi chủ. Đỉnh điểm năn 2021, AIS ghi nhận doanh thu hoạt động 284 tỷ đồng và lãi ròng 154 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh AIS giảm năm 2022 do thị trường biến động, công ty ghi nhận doanh thu thuần 218 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 91 tỷ đồng, giảm lần lượt 23,2% và 40,9% so với mức đỉnh.

(Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ BCTC soát xét).

Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu hoạt động AIS đạt 128,2 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 71,5% lên 92,1 tỷ đồng; doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán 62,6% xuống còn 11,2 tỷ đồng.

Ngược chiều với doanh thu hoạt động, chi phí hoạt động AIS nửa đầu năm giảm 48,7% xuống còn 11,7 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí nghiệp vụ môi giới chứng khoán giảm 50,6% xuống 10,7 tỷ đồng. Kết quả, Chứng khoán AIS báo lãi sau thuế 6 tháng đầu năm 50,9 tỷ đồng, tương đương con số cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, Chứng khoán AIS đặt kế hoạch doanh thu thuần 174 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 92 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6, tổng giá trị tài sản AIS đạt 2.565 tỷ đồng. Trong đó, công ty cho vay hoạt động margin 177,7 tỷ đồng, tăng 40,6% so với thời điểm đầu năm.

Thông tin về nguồn vốn, AIS đang có khoản vay ngắn hạn 730 tỷ đồng (gấp 7,4 lần so với con số 98 tỷ đồng vào đầu năm) tại Ngân hàng Shanghai Commercial & Savings Bank, Ltd và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, các khoản vay này được đảm bảo bằng các chứng chỉ tiền gửi. 

Tại ngày 30/6, danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) của AIS có giá trị 2.273 tỷ đồng (chiếm 88,6% tổng tài sản), tăng 46% so với thời điểm đầu năm. Chi tiết danh mục gồm chứng chỉ tiền gửi (1.823 tỷ đồng) và trái phiếu chưa niêm yết (450 tỷ đồng).

Danh mục đầu tư của Chứng khoán AIS. Nguồn: BCTC quý II/2023.

Diệu Nhi