|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chấn chỉnh cách làm, đẩy tiến độ Metro số 1

09:01 | 26/01/2019
Chia sẻ
Nhiều văn bản thuộc những gói thầu của dự án tuyến Metro số 1 làm chưa đúng quy trình nhưng vẫn được Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM trình lên Sở Giao thông Vận tải khiến tiến độ bị chậm.

Chiều 25-1, Ban Quản lý Đường sắt đô thị (QLĐSĐT) TP HCM đã làm việc với đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng các nhà thầu thi công tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) để bàn các giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho dự án này.

Gấp rút lập lại tiến độ toàn bộ dự án

Nói về tình hình thi công Metro số 1, ông Dương Hữu Hòa, giám đốc dự án tuyến đường này, cho hay việc đào đất, lắp đặt khung chống gói thầu 1a đã đạt khoảng 90% và thi công xong sàn tạm. Đoạn hầm đào hở trên đường Lê Lợi (quận 1) cũng đang bắt đầu triển khai đào đất, lắp các khung chống.

Gói thầu 1b tại ga Nhà hát TP đã hoàn thành thi công kết cấu chính, đang chuẩn bị lắp đặt cơ điện hoàn thiện. Tại ga Ba Son, việc đào đất đã xong, đang tiếp tục thi công sàn mái... Những gói thầu khác, gồm số 2 và 3, cũng đang gấp rút thi công.

"Thế nhưng, hết năm 2018, khối lượng thi công toàn tuyến này đạt 62%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 65%. Nguyên nhân là do việc thực hiện chịu tác động bởi nhiều vấn đề như chậm thanh toán cho các nhà thầu, thay đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ chưa được giải quyết nhanh… " - ông Hòa giải thích.

chan chinh cach lam day tien do metro so 1

Ban QLĐSĐT TP HCM đã yêu cầu các đơn vị lập lại tiến độ toàn bộ dự án tuyến Metro số 1 để kịp thời khắc phục các vướng mắc

Với tình hình trên, theo ông Hòa, năm 2019 bắt buộc phải tăng tốc và để thực hiện thì cần nhiều giải pháp cụ thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, các nhà thầu cùng các đơn vị liên quan. Đối với những hạng mục đã hoàn tất, trọng tâm cần nhanh chóng nghiệm thu và thanh toán cho các nhà thầu, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Trong những mục tiêu đề ra, theo ông Hòa, gói thầu 1b đến cuối năm 2019 khối lượng phải đạt 88%, hoàn tất nhà ga Ba Son, lắp đặt hệ thống cơ điện, kiến trúc… Đặc biệt là xem xét, điều chỉnh thời gian gia hạn hợp đồng phải phù hợp và bảo đảm tính pháp lý. Đối với gói thầu số 2, trọng tâm là hoàn tất thi công kiến trúc của các nhà ga, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, nhất là đoạn từ Bình Thái đến Long Bình và hoàn tất các thiết kế, cáp điện... Riêng gói thầu số 3, cần nhanh chóng bổ nhiệm giám đốc dự án, hoàn tất đoàn tàu đầu tiên, phối hợp nhà thầu lắp đặt ray, cáp…

"Để đẩy nhanh các việc trên, Ban QLĐSĐT TP đã yêu cầu các đơn vị lập lại tiến độ toàn bộ dự án, trong đó rà soát kỹ những vị trí then chốt có ảnh hưởng. Đồng thời, rà soát và đối chiếu với những kế hoạch đã đề ra, phân rõ từng giai đoạn để thực hiện" - ông Hòa nhấn mạnh.

Phải tuân thủ quy trình

Tại buổi làm việc, đại diện các nhà thầu đã nêu nhiều nội dung liên quan đến việc một số gói thầu hiện chưa được thanh toán, không chỉ kéo theo tiến độ thực hiện chậm mà còn phát sinh các chi phí bảo dưỡng. Vì vậy, nhà thầu đề nghị cần nhanh chóng đẩy nhanh việc thanh toán càng sớm càng tốt để bảo đảm tiến độ.

Giải đáp các đề nghị trên của nhà thầu, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết quan điểm của TP là luôn muốn công trình được thực hiện nhanh, an toàn và chất lượng nhưng thực tế có nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết. Cụ thể, thời gian qua, một số nội dung như thẩm định, tiến độ chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Vấn đề này, Sở GTVT đánh giá có nhiều nguyên nhân như chất lượng hồ sơ chưa bảo đảm, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa tốt. Bên cạnh đó, nhiều hồ sơ gửi lên Sở GTVT nhưng ngoài thẩm quyền và liên quan đến các sở - ngành khác. Vì vậy, Sở GTVT phải lấy ý kiến thẩm định từ các bên, không thể tự giải quyết.

Ông Tám cho biết Sở GTVT cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan tạo sự thống nhất nhằm giải quyết nhanh hồ sơ, tránh các khâu không cần thiết làm kéo dài thời gian. "Để giải quyết nhanh hơn, đối với các hồ sơ thiết kế chưa trình thẩm định phê duyệt thì Ban QLĐSĐT nên phân loại phù hợp cho dễ thực hiện, sắp xếp thời gian, kế hoạch nhằm thẩm định và đáp ứng đúng tiến độ" - ông Tám nói.

Vì những lẽ trên, lãnh đạo Sở GTVT TP HCM đề nghị đối với hồ sơ thiết kế cần lập đúng quy định, có sự kiểm soát của tư vấn, kiểm tra đầy đủ từ các đơn vị trước khi trình các sở - ngành liên quan.

"Trong đó, Ban QLĐSĐT phải thể hiện là trung tâm đầu mối, chịu trách nhiệm toàn bộ về dự án, giải quyết các vấn đề chồng chéo, vướng mắc của công trình. Khi nào vượt thẩm quyền của đơn vị thì mới chuyển Sở GTVT. Tránh tình trạng vừa qua, nhiều văn bản Ban QLĐSĐT chưa chủ trì nhưng vẫn trình lên Sở GTVT, không đáp ứng yêu cầu và cũng làm kéo dài thời gian thực hiện" - ông Tám nêu rõ.

Chia sẻ về những khó khăn và kế hoạch sắp tới để đẩy nhanh tiến độ Metro số 1, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Ban QLĐSĐT TP HCM, khẳng định đơn vị này đang tập trung mọi phương án nhằm nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc của dự án, kể cả nguồn vốn. Tuy nhiên, có nhiều nội dung vượt quá thẩm quyền của chủ đầu tư, nhiều mốc thanh toán hiện vẫn vướng về pháp lý nhưng đang gấp rút hoàn tất hồ sơ. Đơn vị này cũng đang xin tạm ứng kinh phí năm 2019 để chi trả cho các nhà thầu và sau Tết nguyên đán 2019 sẽ tăng tốc dự án.

Cần cung cấp thông tin về những kết luận đã thẩm tra

Ông Kota Murakami, đại diện JICA - đơn vị tài trợ vốn ODA cho dự án, đánh giá tuyến Metro số 1 là dự án trọng điểm, đầu tiên tại TP HCM và cũng là biểu tượng của việc hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, vì vậy cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc hiện nay.

"JICA ghi nhận những nỗ lực thời gian qua của TP trong việc tạm ứng tiền cho các nhà thầu. Thời gian tới, chúng tôi đề nghị Ban QLĐSĐT cần cung cấp thông tin cần thiết cho UBND TP để thực hiện kết luận đã thẩm tra" - ông Kota Murakami nhấn mạnh.

Yêu cầu rà soát lại nhân sự Ban QLĐSĐT TP HCM

Ngày 25-1, UBND TP HCM đã yêu cầu các sở - ngành liên quan xử lý các cá nhân, tổ chức tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu CP0 thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Theo UBND TP, việc xử lý trách nhiệm này căn cứ vào quyết định hủy gói tổng thầu thiết kế thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (CP0) thuộc tuyến tàu điện ngầm số 2. Nguyên nhân là do việc phê duyệt hồ sơ mời thầu có nội dung không tuân thủ quy định của pháp luật, dẫn đến buộc phải hủy thầu.

UBND TP HCM chỉ đạo Ban QLĐSĐT TP kiểm điểm trách nhiệm, xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tập thể liên quan đến việc lập, thẩm định hồ sơ mời thầu; thành lập tổ chuyên gia đấu thầu không đúng quy định pháp luật về đấu thầu; tham gia hoạt động đấu thầu nhưng không có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu. Giao Ban QLĐSĐT phối hợp với Sở Nội vụ để khắc phục và phòng ngừa, không để tình trạng trên tái diễn. Ngoài ra, Ban QLĐSĐT TP được giao phải chỉnh sửa nội dung mời thầu và tổ chức đấu thầu lần 2 gói thầu trên theo đúng quy định.

Ở một diễn biến khác, UBND TP HCM giao Sở Nội vụ rà soát danh sách nhân sự Ban QLĐSĐT và đề xuất đôn đốc thực hiện, khắc phục, báo cáo UBND TP về kết quả thực hiện.

Tuyến Metro số 2 được phê duyệt từ năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 26.000 tỉ đồng và đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 48.000 tỉ đồng. Nguyên nhân bị đội vốn là do trong quá trình triển khai có điều chỉnh về thiết kế cơ sở, thời gian chuẩn bị kéo dài, chậm trễ trong quá trình triển khai, tăng khối lượng xây dựng, trượt giá…

Theo kế hoạch ban đầu, tuyến Metro 2 hoàn thành, đưa vào vận hành chạy thử và khai thác vào năm 2018. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ 1 trong 8 gói thầu của dự án được hoàn thành là gói thầu CP1 - xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương, 7 gói thầu còn lại vẫn chưa ký hợp đồng. Đã quá chậm nhưng dự án phải tiếp tục "giậm chân tại chỗ" khi công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đang bị dừng lại, đặc biệt một số quận đã tiến hành thủ tục trả vốn do không giải ngân được. Dự án này dự kiến lùi đến năm 2024 mới hoàn thành.

Xem thêm

Bài và ảnh: Gia Minh