|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chậm nhận mặt bằng, TP HCM 'sốt vó' với đường dây 220kV Cát Lái - Tân Cảng

21:30 | 25/06/2020
Chia sẻ
Chiều 25/6, lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) có buổi gặp gỡ, trả lời những thắc mắc của báo giới xung quanh tiến độ công trình đường dây 220kV Cát Lái - Tân Cảng đang gặp trở ngại về mặt bằng thi công.

Công trình đường dây 220kV Cát Lái - Tân Cảng có tổng kinh phí đầu tư khoảng 630 tỉ đồng, khi đưa vào hoạt động sẽ cung cấp điện an toàn, ổn định với chất lượng cao cho khu vực quận 2, quận Bình Thạnh và quận 1, đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế và nhu cầu sử dụng điện của TP HCM.

Chậm nhận mặt bằng, TP HCM 'sốt vó' với đường dây 220kV Cát Lái - Tân Cảng - Ảnh 1.

Với diện tích rộng lớn và không gian công trình đi qua vô cùng phức tạp nên đường dây Cát Lái - Tân Cảng hiện gặp phải nhiều trở ngại

Ông Bành Đức Hoài – Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết: Đường dây 220kV Cát Lái – Tân Cảng có tổng chiều dài 12,2 km, gồm 6,4 km đường dây trên không hỗn hợp 220kV/110kV; 5,7 km cáp ngầm 220kV, 110kV, xuất phát từ trạm biến áp 220kV Cát Lái đi qua địa bàn quận 2 xuyên qua sông Sài Gòn sau đó đấu nối vào trạm biến áp Tân Cảng.

Công trình đường dây Cát Lái – Tân Cảng với cấp điện áp 220kV, có tổng công suất đặt của các trạm biến áp 110kV liên quan vào khoảng 964kVA, sẽ nhận điện từ trung tâm nhiệt điện Phú Mỹ (Nhơn Trạch) và cấp điện cho các trạm 220kV Thủ Thiêm, Tân Cảng, đồng thời tạo kết nối mạch vòng 220kV cho khu vực trung tâm TP HCM bao gồm TBA Nhà Bè – Tao Đàn – Tân Cảng – Thủ Thiêm – Cát Lái, từ đó tăng cường độ ổn định cung cấp điện và tính linh hoạt trong vận hành của hệ thống lưới điện của TP HCM”.

Chậm nhận mặt bằng, TP HCM 'sốt vó' với đường dây 220kV Cát Lái - Tân Cảng - Ảnh 2.

Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC Bành Đức Hoài: "Điều lo lắng nhất của ngành điện TP HCM hiện nay là khu vực nút giao C1 (Lương Định Của – Trần Não) vẫn chưa được giao mặt bằng để thi công, dù gần 70% khối lượng công việc đã hoàn tất" (Ảnh: Quỳnh Trân).

Tuy nhiên, với diện tích rộng lớn và không gian công trình đi qua vô cùng phức tạp nên đường dây Cát Lái – Tân Cảng hiện đang vướng phải nhiều trở ngại. “Điều lo lắng nhất của ngành điện TP HCM hiện nay là khu vực nút giao C1 (Lương Định Của – Trần Não) chúng tôi vẫn chưa nhận được mặt bằng để có thể thi công, dù gần 70% khối lượng công việc trong kế hoạch đều hoàn tất. 

Tình trạng giao thông tại nút giao An Phú, vòng xoay Mỹ Thủy cũng đang rất phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ, thậm chí còn dẫn tới tình trạng phải thay đổi giải pháp xây dựng. Ngoài ra, công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng tại địa phương còn gặp nhiều vướng mắc đã khiến cho công trình này gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hoài than.

Vì vậy, EVNHCMC nhanh chóng lên kế hoạch chi tiết, phối hợp đồng bộ với các sở ban ngành, chính quyền địa phương để có các giải pháp triển khai phù hợp với điều kiện thực tế. Theo đó, ngành điện TP HCM dự kiến sẽ hoàn thành cơ bản phần đường dây nổi (với 30/34 trụ được thi công kéo dây) và phần khối ống kéo cáp ngầm (5,3 km/5,7 km) trong năm 2020. 

Riêng với các hạng mục còn lại, EVNHCMC tiếp tục vận động, tìm sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và chính quyền địa phương trong việc bàn giao mặt bằng sớm để có thể triển khai thi công sớm.

Chậm nhận mặt bằng, TP HCM 'sốt vó' với đường dây 220kV Cát Lái - Tân Cảng - Ảnh 3.

Hiện công trình hoàn thành 70% nhưng ngành điện đang lo bị "thắt" ở trạm cuối Tân Cảng (Ảnh: Quỳnh Trân).

“Điểm nghẽn khó tháo gỡ nhất vì chưa nhận được mặt bằng thi công khoảng 2.000 m2 - do liên quan ở điểm cuối là trạm Tân Cảng, trong khi phải chờ chuyển đổi quyền sử dụng đất với đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, khi thời gian chỉ còn 5 tháng nữa là hết năm thì liệu có kịp tiến độ đường dây 220kV Cát Lái – Tân Cảng?”. 

Trả lời PV báo Thanh Niên, đại diện lãnh đạo EVNHCMC tỏ vẻ sốt ruột: “Hiện mọi việc đã được Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên – Môi trường nghiên cứu có công văn hướng dẫn cụ thể và các đơn vị liên quan cũng lên kế hoạch ‘"chốt" lại trong quý 3 năm nay, trên tinh thần đồng thuận của các bên về chủ trương. 

Hi vọng mọi việc nhanh chóng được sớm tháo gỡ để công trình đường dây 220kV Cát Lái – Tân Cảng cuối năm 2020 đưa vào vận hành, nhằm giải quyết nhu cầu về điện cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh đang ngày càng bức bách tại TP HCM”.

Lê Công Sơn