|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chấm điểm cổ phiếu VNM dựa trên 5 nguyên tắc đầu tư của Warren Buffett

10:15 | 17/05/2022
Chia sẻ
Với nhiều năm kinh nghiệm, Warren Buffett đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho các “chứng sĩ”. Dưới đây là 5 nguyên tắc đầu tư nổi tiếng của Warren Buffett và mối liên hệ, so sánh với cổ phiếu của doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa – Vinamilk (Mã: VNM).

Warren Buffett là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway, là một nhà đầu tư vĩ đại của mọi thời đại. Kể từ đầu những năm 1950 ông đã thể hiện khả năng vượt trội khi biến Berkshire Hathaway từ một doanh nghiệp dệt may nhỏ đang gặp khó khăn thành công ty đại chúng lớn thứ 10 trên thế giới, giá trị hơn 600 tỷ USD.

Vì lẽ đó, ông luôn nhận được sự ngưỡng mộ của những cổ đông, những nhà đầu tư trên thế giới, không chỉ bởi khả năng phán đoán khi chọn cổ phiếu mà còn bởi những triết lý đầu tư vô cùng đáng giá. Nhưng kì lạ ở chỗ, những lời khuyên của Warren Buffett thường rất đơn giản, có khi là những điều ai cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được. Cùng điểm qua 5 bí quyết chọn cổ phiếu của “ông trùm chứng khoán” và đối chiếu với cổ phiếu VNM (Vinamilk) – một mã thuộc rổ VN30 nhận được nhiều sự quan tâm bàn luận trong thời gian gần đây.

Tỷ phú Warren Buffett. (Ảnh: CNBC).

1. Doanh nghiệp có mô hình kinh doanh đơn giản

Là một fan của Warren Buffet, chắc hẳn bạn đã quen thuộc với câu nói “Chỉ đầu tư vào những doanh nghiệp mà bạn hiểu rõ”. Thử hỏi, nếu bạn không thể hiểu cách một doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận thì làm sao bạn có thể đánh giá hiệu quả tài chính hay ước tính được giá trị doanh nghiệp.

Quan trọng hơn, việc dự đoán kết quả tương lai đối với những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh đơn giản sẽ dễ dàng hơn. Bởi đầu tư chính là tương lai, Warren Buffett luôn tìm kiếm những doanh nghiệp có thể duy trì sự ổn định trong ít nhất 10-20 năm tới.

Nói đơn giản, nếu bạn không thể giải thích mạch lạc, ngắn gọn về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và lý do bạn sở hữu cổ phần thì bạn nên bỏ qua.

Về Vinamilk, doanh nghiệp này đã hoạt động trong ngành sữa với thâm niên hơn 45 năm. Hiện tại, công ty đã mở rộng ra một số ngành nghề khác như bò thịt nhưng mảng sữa vẫn là trọng tâm. Ngành sữa chiếm tới 14% tổng kim ngạch thương mại nông sản toàn cầu. Nhu cầu sử dụng sữa của người Việt và khu vực Châu Á vẫn đang thấp so với mức trung bình của thế giới. Cho nên, đây là ngành tiềm năng trong cả ngắn – trung – dài hạn.

2. Nợ thấp

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) là một yếu tố quan trọng khác mà Buffett thường xuyên cân nhắc. Sẽ tốt hơn nếu lợi nhuận của doanh nghiệp được tạo ra từ vốn chủ sở hữu của cổ đông thay vì vốn đi vay.

D/E càng cao thì nợ càng nhiều. Mức nợ cao so với vốn chủ sở hữu có thể dẫn đến biến động thu nhập và lãi vay lớn.

Có thể xem xét lại những khoản đầu tư thành công trước đây của Warren Buffett như Coca-Cola (NYSE: KO), American Express (NYSE: AXP) và Wells Fargo (NYSE: WFC), rõ ràng, ông đã xem xét cẩn thận bảng cân đối kế toán của những doanh nghiệp này – những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ tương đối thấp.

Warren Buffett cũng ưa thích những doanh nghiệp huy động vốn thông qua tiền mặt tạo ra từ hoạt động kinh doanh thay vì bằng cách vay nợ hay phát hành cổ phiếu, từ đó giảm sự phụ thuộc vào các khoản vay để duy trì kinh doanh.

Về tài sản, “chị đại ngành sữa” từ lâu vốn đã nổi tiếng khắp VN-Index với lượng tiền mặt khủng (hơn 23.000 tỷ đồng bao gồm tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn – theo BCTC 2021) và D/E tương đối thấp (48,7% - so với mức trung bình là 100%). Đây được xem là một trong những yếu tố an toàn cho nhà đầu tư – theo nguyên tắc 2 của Warren Buffett.

 Ảnh: Vinamilk.

3. ROE

Tỷ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu (ROE) đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn của cổ đông. Hệ số này thường được các nhà đầu tư phân tích để so sánh với các cổ phiếu cùng ngành trên thị trường. Tỷ lệ ROE càng cao càng chứng tỏ công ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông. Thông thường, bạn chỉ nên xem xét những công ty có ROE từ 15% trở lên.

Đối với Warren Buffett, ông không chỉ xem xét ROE trong 1 hay 2 năm mà mở rộng lên 5 năm, thậm chí là 10 năm để tăng độ chính xác.

Trở lại với Vinamilk, một trong những yếu tố thu hút nhà đầu tư của doanh nghiệp này là ROE khi chỉ số này vượt trội ở mức 30-40% trong thời gian 5 năm trở lại đây.

4. Biên lợi nhuận

Buffett đánh giá khả năng sinh lời của doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào tỷ suất lợi nhuận cao hay thấp, mà còn phụ thuộc vào việc tăng tỷ suất lợi nhuận đó có ổn định và bền vững hay không. Tỷ suất lợi nhuận này được tính bằng cách lấy lợi nhuận ròng chia cho doanh thu thuần.

Để nắm rõ tình hình sức khỏe doanh nghiệp, Buffett thường xem xét biên lợi nhuận trong ít nhất 5 năm. Tỷ suất lợi nhuận cao chứng tỏ công ty đang hoạt động kinh doanh tốt, nhưng tỷ suất lợi nhuận tăng còn cho thấy có công ty có đội ngũ điều hành, quản lý hiệu quả, kiểm soát tốt các khoản chi phí.

So sánh với Vinamilk, biên lợi nhuận gộp năm 2021 là 43,14% - thuộc mức cao so với thị trường chung nhưng giảm khi so sánh trong giai đoạn 5 năm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng năm 2021 chứng kiến giá nguyên liệu sữa tăng cao nhất mọi thời đại (tăng 35% so với mức cao của cùng kỳ). Trong khi đó, một số chuyên gia vẫn đánh giá cao doanh nghiệp này nhờ việc quản lý chi phí đầu vào khá hiệu quả khi biên gộp có tốc độ giảm ít hơn so với tốc độ tăng giá của nguyên liệu sữa đầu vào.

5. Kỹ năng quản lý, lãnh đạo được công nhận

Khi Buffett đầu tư, ông tin rằng bản thân cũng đang đầu tư vào đội ngũ quản lý của chính doanh nghiệp đó.

Có thể không nhiều nhà đầu tư đủ kiên nhẫn để tìm hiểu đội ngũ quản lý của một công ty đại chúng, tuy nhiên, điều này thật sự quan trọng đối với 1 chiến lược đầu tư lâu dài. Trước khi đầu tư hãy tự hỏi, lãnh đạo có thẳng thắn thừa nhận sai lầm hay không? Ban lãnh đạo có cam kết mang lại giá trị lâu dài cho cổ đông thay vì làm hài lòng đám đông ngắn hạn hay không?

Quay trở lại với Vinamilk, đội ngũ quản lý, lãnh đạo của công ty bao gồm những nhân sự có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, có sự gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và được dẫn dắt bởi CEO Mai Kiều Liên. Ngoài sự thành công trong hoạt động kinh doanh sản xuất, Vinamilk cũng là doanh nghiệp luôn được ghi nhận về khía cạnh minh bạch và quản trị doanh nghiệp từ các tổ chức đánh giá, quỹ đầu tư, các chuyên gia trong ngành…

Trong thời gian gần đây, giá cổ phiếu và tiềm năng phát triển của Vinamilk luôn được các nhà đầu tư đưa ra thảo luận với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, không thể phủ nhận Vinamilk luôn nhận được những đánh giá tích cực khi đối chiếu với những nguyên tắc của một doanh nghiệp minh bạch, có thực lực với nền tảng vững chắc.

Còn về quyết định đầu tư hay không, đặc biệt là trong giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những đợt điều chỉnh mạnh mẽ như hiện nay, thì các nhà đầu tư có lẽ vẫn cần phải tự tìm câu trả lời và đưa ra quyết định cho riêng mình.

Bích Thu