Chậm chuyển giao vì quyền lợi
Một trong những vấn đề nổi lên thời gian qua dù có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng tiến triển rất chậm, là việc bàn giao vốn nhà nước tại các bộ, địa phương.
Phải quy trách nhiệm người đứng đầu
Theo Quyết định 1232/QĐ-Ttg ngày 17-8-2017 về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để triển khai bán phần vốn nhà nước 62 DN tại 6 bộ và 16 địa phương, với tổng số vốn của Nhà nước trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các DN thuộc diện chuyển giao).
Tuy nhiên, theo báo cáo của SCIC, 6 tháng đầu năm, SCIC chỉ tiếp nhận được 5/45 DN theo kế hoạch tiếp nhận năm 2018.
Với DNNN chậm chuyển giao, có nguyên nhân là do nhận thức. Lãnh đạo DN đang tự do, không bị “gò bó”, nên khi chuyển về SCIC, DN sẽ phải tiến hành quản lý theo mô hình DN, công khai minh bạch, theo cơ chế thị trường… nên họ không muốn. Mặt khác, cũng có tâm lý SCIC cũng chỉ là DN, nên không muốn chuyển về thuộc DN. |
Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận xét: “Chậm chuyển giao DN về SCIC là vì ta không muốn nhả ra. Trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng là quyết liệt, quy trách nhiệm cho người đứng đầu, vì đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Làm không đúng thời gian quy định là đi ngược lại chủ trương, không làm đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ”.
Cũng theo ông Hùng, chậm chuyển giao sẽ làm chậm lại nỗ lực thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN, chậm thoái vốn nhà nước tại DN, chậm việc phân bổ lại để sử dụng nguồn lực của Nhà nước hiệu quả hơn.
Còn theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), việc chuyển giao DNNN về cho SCIC, về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN là để tách bạch chức năng quản lý nhà nước với DN và chức năng quản trị và đầu tư vốn. Chậm chuyển giao vì mấy lý do, trong đó có việc cơ quan quản lý không quyết tâm. DN muốn chuyển giao nhưng cơ quan đại diện chủ sở hữu là bộ, địa phương không muốn chuyển vì không muốn mất đi quyền, chân rết của mình, vẫn muốn níu giữ lợi ích riêng cho mình…
Muốn "vừa đá bóng, vừa thổi còi"
Theo quy định, DN cứ cổ phần hóa xong phải bàn giao về SCIC để SCIC củng cố lại DN, rà soát, lên lộ trình thoái vốn theo thị trường, đúng pháp luật và công khai minh bạch. SCIC thoái vốn, SCIC chịu trách nhiệm, trong khi bộ, địa phương thoái vốn lại xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và nếu chưa ổn thì xin ý kiến Thủ tướng. Nếu căn cứ vào các ý kiến như vậy sẽ rất chậm.
Không muốn chuyển giao nên họ nêu lý do khách quan là phải giữ lại DN để quản lý ngành. Có những trường hợp như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, rất muốn chuyển giao về SCIC vì thấy hiệu quả hơn, nhưng cơ quan đại diện chủ sở hữu là Bộ Công Thương chưa chịu chuyển giao. |
Tại cuộc họp đánh giá kết quả tình hình cổ phần hóa, thoái vốn 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại DNNN, công ty nông lâm trường và kiến nghị với Chính phủ, các bộ tại hội nghị toàn quốc về DNNN sắp tới do Thủ tướng chủ trì; yêu cầu rà soát danh mục bàn giao về SCIC theo tinh thần các bộ, địa phương bàn giao hết các DNNN đã cổ phần hoá về SCIC.
Khi bàn giao DN muộn, rõ ràng các DN đó, nguồn vốn đó được quản lý không tốt, vì các bộ quản lý ngành “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, không thể quản lý tốt, chưa kể còn có sự buông lỏng quản lý và thực tế cũng đã xảy ra. Còn khi DN được bàn giao về SCIC, SCIC sẽ sắp xếp lại theo đúng tiêu chí tiêu chuẩn của họ, sẽ có người giám sát, chịu trách nhiệm. Việc bàn giao chậm cũng sẽ làm cho thoái vốn chậm và nguồn lực không tập trung về Nhà nước đúng kế hoạch. Ngoài ra, việc thoái vốn của các bộ, ngành sẽ không mang lại giá trị gia tăng cao như khi SCIC thoái vốn, bởi trước khi thoái vốn, SCIC còn tiến hành tái cơ cơ cấu, từ đó giá trị DN cao hơn.
Rõ ràng, việc chậm chuyển giao vốn Nhà nước tại DN về SCIC đang mang lại nhiều hệ quả, và việc đẩy nhanh thực hiện chủ trương này cần sự quyết liệt hơn nữa, phải ràng buộc được trách nhiệm những người đứng đầu có liên quan để họ không thể vì quyền lợi mà níu kéo, chậm trễ trong bàn giao DN.