|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

CEO WiGroup: Giai đoạn tăng lãi suất mạnh nhất đã qua, thị trường cần quan tâm khi nào NHNN bơm tiền trở lại

11:39 | 27/09/2022
Chia sẻ
CEO WiGroup cho rằng NHNN sẽ còn những đợt tăng lãi suất tiếp nữa nhưng mức độ tăng không quá mạnh, dòng tiền từ nay đến cuối năm vẫn căng cứng và tương đối khó khăn cho tới quý I/2023.

CEO WiGroup, ông Trần Ngọc Báu.

Trao đổi bên thềm Tọa đàm 'Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới' diễn ra sáng nay 27/9, CEO WiGroup, ông Trần Ngọc Báu cho rằng yếu tố về tăng trưởng kinh tế và lạm phát không phải nguyên nhân để tăng lãi suất, mà Việt Nam tăng lãi suất chủ yếu vì áp lực liên quan đến tỷ giá, bởi chênh lệch liên quan đến lãi suất so với lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

"Chúng ta bắt buộc phải tăng lãi suất cho tới khi lãi suất tại Việt Nam cân đối ở mức tương đối so với lãi suất của Fed. Như vậy, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất thì áp lực tăng lãi suất của chúng ta còn" đại diện WiGroup nhận định.

Theo như dự báo, Fed còn tăng 1,75-2,5 điểm % nữa trong vòng từ giờ đến quý I/2023, đồng nghĩa với việc sau đợt tăng lãi suất này, cơ quan điều hành Việt Nam sẽ còn những đợt tăng lãi suất tiếp nữa những mức độ tăng, theo ông Báu, chỉ ở mức 1,5-2%.

Nói cách khác, lãi suất điều hành của Việt Nam sắp tới sẽ tăng nhưng mức độ tăng sẽ không quá mạnh vì giai đoạn tăng lãi suất mạnh nhất đã qua. Chính giai đoạn cuối quý III và đầu quý IV này mới là giai đoạn mà chúng ta sẽ chứng kiến lãi suất tăng rất mạnh trên mọi mặt trận.

Thị trường cần chú ý khi nào NHNN có trạng thái bơm tiền trở lại hỗ trợ nền kinh tế  

Về tác động đến thị trường, ông Báu cho rằng lãi suất không phải yếu tố tác động quá nhiều đến thị trường nếu lãi suất của Việt Nam duy trì dưới 7-8% nhưng thị trường sẽ phản ứng tiêu cực với dòng tiền nhiều hơn.

Vì để nhấc nền lãi suất lên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt buộc phải hút tiền bằng kênh tín phiếu. Ngoài ra, nếu tỷ giá căng thẳng, NHNN còn phải hút tiền trên kênh ngoại tệ như vừa rồi, NHNN hút 500.000 tỷ đồng và có thời điểm hút tiền thông qua tín phiếu đến 200.000 tỷ đồng.

Như vậy thị trường sẽ vào giai đoạn căng cứng về thanh khoản, sẽ rất khó để thị trường bứt tốc lên được. Ông Báu cho rằng thị trường cần quan tâm khi nào là giai đoạn chuyển giao thanh khoản, tức lúc nào NHNN có trạng thái bơm tiền trở lại hỗ trợ nền kinh tế qua những kênh như đầu tư công, kênh thị trường mở hoặc các kênh như kênh mua ngoại hối.

Tuy nhiên, điều này chưa thể kỳ vọng trong năm nay mà phải đến năm sau (2023), tức là dòng tiền từ nay đến cuối năm vẫn căng cứng và tương đối khó khăn nhưng từ quý I/2023 thì tình hình sẽ dịu hơn rất nhiều.

Trước con số khảo sát hơn 75% những người tham gia thị trường cảm thấy lo ngại về tác động của yếu tố vĩ mô trên toàn cầu, ông Báu đánh giá ngại về yếu tố vĩ mô trên toàn cầu là bình thường. Thứ nhất, hiện tại đang là giai đoạn chuyển giao về chính sách vĩ mô tương đối nhiều. Thứ hai, đây là giai đoạn mà vùng thông tin cũng như những quyết định về vĩ mô thường biến động tương đối mạnh, thị trường sẽ thường biến động theo vĩ mô như hiện tại.

Do đó, việc nhà đầu tư quan tâm đến những biến động về vĩ mô trong giai đoạn này là hoàn toàn bình thường. Công cụ đo lường hành vi người dùng của WiGroup cho thấy người dùng hiện có xu hướng truy cập nhiều hơn vào những dải dữ liệu vĩ mô, đặc biệt tín hiệu về tiền tệ - nơi mà dải dữ liệu này biến động khá là nhanh theo quyết định của nhà điều hành.

Phương Nga