|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CEO Tập đoàn PAN: Đã là người lao động, dù ở giới nào cũng được trân trọng và đối xử bình đẳng

14:00 | 07/03/2024
Chia sẻ
Bình đẳng giới là một nội dung được đề cập trong chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn PAN. Bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN khẳng định đã là người lao động, dù ở giới nào cũng đều được trân trọng và đối xử bình đẳng.

Ngày 6/3, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp tổ chức sự kiện “Rung chuông vì Bình đẳng giới”. Đây là năm thứ 10 sự kiện này được tổ chức trên toàn cầu và năm thứ 6 Việt Nam tham gia.

Sự kiện “Rung chuông vì Bình đẳng giới 2024” diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. (Ảnh: VWEC)

Tại phiên thảo luận “Đầu tư cho phụ nữ: Từ chính sách tới thực tiễn”, ông Đỗ Văn Tâm, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết Sở có 1.192 doanh nghiệp niêm yết đăng ký giao dịch và 7 công ty chứng khoán thành viên, đóng góp cho sự phát triển thị trường, cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh.

Trong đó, nhiều lãnh đạo nữ của các doanh nghiệp phát huy tốt vai trò lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, đồng thời đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, xã hội. Hiện nay, nhiều đơn vị đang ưu tiên sử dụng lao động nữ, thúc đẩy vai trò của nữ giới trong quản trị doanh nghiệp.

Là lãnh đạo của doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nông nghiệp, niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM, bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN cho biết PAN có hơn 10 công ty thành viên, đa dạng lĩnh vực như nông sản, thủy sản và thực phẩm, với tổng số lao động lên tới 11.000 người lao động, trong đó 70% là công nhân.

“Tại Tập đoàn PAN, chúng tôi có 38% nữ lãnh đạo trong 11.000 người lao động, con số không nhỏ, bản thân tôi là lãnh đạo của nhiều công ty niêm yết. Liên quan đến bình đẳng giới và phát triển bền vững, cách làm của chúng tôi là đưa ra định hướng kế hoạch, định hướng chung để mỗi công ty có cách hành động phù hợp với đặc thù”, bà Trà My nói.

Bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN chia sẻ về cách doanh nghiệp quan tâm, chăm lo đến đời sống của người lao động, thúc đẩy bình đẳng giới. (Ảnh: VWEC)

Lãnh đạo Tập đoàn PAN đưa ra ba cách ứng xử tại ba môi trường khác nhau. Tại CTCP PAN Hulic, công ty thành viên của Tập đoàn PAN, quy mô 150 lao động nhưng lại có 7 dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc theo mẫu hệ, phụ nữ đóng vai trò quan trọng, chi phối cuộc sống gia đình. Với đặc thù này, người phụ nữ vừa phải đi làm, vừa phải chăm lo gia đình, cuộc sống khá vất vả.

Còn trường hợp của CTCP Thực phẩm Sao Ta, doanh nghiệp có doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng/năm, quy mô lao động khoảng 4.000 người, trong đó 80% công nhân là người dân tộc Khmer.

Với người dân thành phố, quản lý chi tiêu trong gia đình có thể là kỹ năng bình thường, nhưng với phụ nữ dân tộc thiểu số, đó là những điều xa xỉ. Hiểu được điều này, thành viên của Tập đoàn PAN đã làm những cuốn sổ tay chi tiêu, hướng dẫn người lao động phân bổ thu nhập thành nhiều đầu mục, phần cho sinh hoạt hàng ngày, phần đầu tư cho con cái, phần tiết kiệm cho lúc ốm đau…

Bên cạnh những món quà vật chất, lãnh đạo Tập đoàn PAN cho rằng sự thăm hỏi, động viên, cam kết chăm lo đời sống cho công nhân, được cho là điều quan trọng hơn cả. Đó cũng là lý do Tập đoàn có Ủy ban Phát triển Bền vững, công đoàn mà nữ giới chiếm ít nhất 50%, từ đó có thể đi sâu và nắm bắt đời sống của người lao động, tạo ra một cộng đồng hạnh phúc.

“Mỗi công ty có những đặc thù, cách đi riêng, nhưng cái chung chúng tôi xây dựng là văn hóa chia sẻ, biết ơn, bền vững, đây là mục tiêu quan trọng và chúng tôi đã đạt được trong 10 năm qua”, bà Trà My nói.

Đối với văn phòng Tập đoàn, nơi có những nhân viên được tiếp xúc với nền giáo dục tốt ở trong và ngoài nước, bà Trà My sẽ chia sẻ xu hướng thế giới trong tương lai, đơn cử như câu chuyện phi giới tính.

“Trong công việc, chúng tôi không phân biệt giới tính, chỉ đánh giá qua hiệu quả của mỗi người thực hiện. Đã là người lao động, dù ở giới nào cũng đều được trân trọng và đối xử bình đẳng. Chăm lo cho họ cũng là một khía cạnh để phát triển vền vững theo đúng chủ trương mà PAN theo đuổi”, bà Trà My khẳng định.

Hơn 10 năm qua, Tập đoàn PAN kiên định theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, điều này cũng đã giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính xanh tại COP28.

“Tôi nghĩ rằng nghĩ lành, làm vững, cứ làm tốt đi rồi mọi thứ sẽ đến. Minh chứng là 3 năm gần đây, PAN tăng trưởng lợi nhuận bình quân liên tục hơn 30%”, bà Trà My chia sẻ.

Cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng sự kiện “Rung chuông vì Bình đẳng giới”. (Ảnh: VWEC)

Dữ liệu của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) cho thấy thế giới cần 286 năm để xóa khoảng cách giới trong khuôn khổ pháp luật, 140 năm để đạt được tỷ lệ bình đẳng trong nhân sự lãnh đạo tại nơi làm việc.

Sự kiện “Rung chuông vì bình đẳng giới 2024” kêu gọi khu vực tư nhân, đặc biệt là các công ty chứng khoán và niêm yết, đẩy mạnh đầu tư cho sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới tại nơi làm việc, cộng đồng và thị trường.

Một số khảo sát cho thấy khi phụ nữ được bình đẳng trong nền kinh tế GDP toàn cầu sẽ tăng 28.000 tỷ USD vào năm 2025, đồng thời thêm một thành viên nữ trong ban lãnh đạo, doanh nghiệp sẽ tăng 8-13 điểm phần trăm lợi nhuận/tổng tài sản.

Bích Thu