|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CEO nước ngoài đưa giải pháp về chuỗi cung ứng nông nghiệp tương lai cho ĐBSCL

08:35 | 02/03/2017
Chia sẻ
Ý tưởng chuỗi cung ứng nông nghiệp tương lai cho khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long đã được chia sẻ tại buổi Hội nghị Quản trị Cung ứng 2017 do Vietnam Supply Chain tổ chức.
 

Tại Hội thảo “Quản trị chuỗi cung ứng lạnh-mát và chuỗi cung ứng nông nghiệp tại Việt Nam”, ông Julien Brun (Tổng Giám đốc CEL Consulting) đưa ra những đánh giá về tình hình chuỗi cung ứng nông nghiệp tại thị trường Việt Nam và ý tưởng về chuỗi cung ứng nông nghiệp tương lai cho khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

ceo nuoc ngoai dua giai phap ve chuoi cung ung nong nghiep tuong lai cho dbscl
Ông Julien Brun, Tổng Giám đốc công ty CEL Consulting

Chuỗi cung ứng ĐBSCL còn rời rạc, hiệu quả vận hành thấp

Về hiện trạng ngành cung ứng nông nghiệp, ông Julien tập trung vào vùng ĐBSCL do vùng này đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực của toàn Việt Nam và đóng góp vào 27% GDP của cả nước. Mặc dù là vùng trọng tâm phát triển nông nghiệp nhưng nhìn chung chuỗi cung ứng toàn ngành vẫn còn lỏng lẻo và rời rạc.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc hiệu quả vận hành thấp là do có quá nhiều các bên trung gian, cụ thể là các thương lái. Với lợi thế am tường địa phương, có phương tiện vận tải đường thủy, họ tập trung khai thác mạng lưới sông ngòi để vận chuyển nông sản, tuy nhiên họ đóng vai trò thương nhân bán nông sản cho doanh nghiệp và từ đó dễ dàng thao túng giá và nguồn cung. Điều này làm chậm dòng chảy hàng hóa và thiếu minh bạch thông tin.

Nguồn cung ở phía nông dân và nguồn cầu ở phía doanh nghiệp không có sự tương tác, gây hệ quả doanh nghiệp không có đủ thông tin để dự báo và lập kế hoạch cung ứng hiệu quả, làm ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng.

Ông Julien cũng chỉ ra cơ sở hạ tầng đường thủy cũng như hệ thống đường nông thôn tại ĐBSCL vẫn chưa được đầu tư đúng mức, không có sự liên kết giữa đường bộ và đường thủy, hệ thống hạ tầng kho bãi, các trạm trung chuyển và vận tải đa phương thức cũng chưa được các doanh nghiệp logistics địa phương khai thác.

Ngoài ra, việc thiếu sơ chế sau thu hoạch đã khiến nông sản có tỷ lệ tổn thất cao, trong khi yếu tố quan trọng là tốc độ ra thị trường không được đáp ứng. Chuỗi cung ứng lạnh hầu như được ưu tiên cho nông sản xuất khẩu, trong khi chuỗi nông sản tiêu thụ trong nước còn rời rạc ở nhiều khâu.

Ba bước xây dựng chuỗi cung ứng nông nghiệp tương lai

Với quan điểm của một chuyên gia chuỗi cung ứng, ông Julien chia sẻ về tương lai của ĐBSCL là “Tập trung hóa sản xuất, tập trung hóa thu mua và tập trung hóa phân phối, giảm thời gian ra thị trường của nông sản, đáp ứng quy mô cho nghiên cứu sáng tạo”.

Theo đó, hợp tác xã sẽ đóng vai trò quản lý và điều phối hoạt động sản xuất của nông dân và kiểm tra chất lượng xuyên suốt từ đầu vào và đầu ra, còn doanh nghiệp sẽ đóng vai trò định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, xây dựng thương hiệu cho nông sản, và đầu tư phát triển kỹ thuật công nghệ.

Đồng thời, mạng lưới thu mua nông sản trên toàn vùng cũng sẽ được thiết lập. Nông sản sau khi được thu mua và sơ chế sẽ được tập trung về một trung tâm logistics để được đóng gói và phân phối. Ở giai đoạn này, thương lái có thể được tận dụng và phát triển thành những nhà cung cấp logistics chuyên nghiệp.

Bước cuối cùng, mạng phân phối tập trung bao gồm một đại trung tâm phân phối và nhiều chợ đầu mối cung ứng trực tiếp đến những điểm bán tại thị trường thành thị và nông thôn.

Việc tập trung hóa sản xuất, thu mua, và phân phối không chỉ nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng mà còn cho phép biến ĐBSCL thành một “trung tâm nghiên cứu sáng tạo” cung cấp quy mô tập trung để những ngành như công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm phát triển theo.

Minh Phương