CEO JPMorgan: Bitcoin là vô giá trị
Theo CNBC, ông Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, mới đây đã chia sẻ tại một sự kiện về tài chính rằng cá nhân ông nhận thấy bitcoin là vô giá trị.
"Tuy nhiên, khách hàng của chúng tôi đều là người lớn cả. Có người không đồng tình với ý kiến của tôi, và đó là điều tạo nên thị trường. Nếu họ muốn được tiếp cận để mua bitcoin, chúng tôi không thể kiểm sóat việc đó nhưng có thể cung cấp cho họ quyền tiếp cận hợp pháp và sạch sẽ nhất có thể”, ông Dimon nói.
Dù người vị CEO này không tin vào bitcoin, nhưng ngân hàng của ông lại vẫn tích cực triển khai các dự án về tiền số.
Trước đó, vào tháng 2/2019, JPMorgan Chase từng cho biết sẽ phát hành một đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình có tên JPM Coin. Và cho đến tháng 10/2020, nhà băng này mở một bộ phận mới chuyên về các dự án blockchain. Tháng 8 vừa qua, JPMorgan Chase bắt đầu cho phép khách hàng mảng quản lý gia sản tiếp cận với các quỹ tiền ảo.
Gần đây, ông Dimon có chia sẻ với CEO Jim VandeHei của Axios rằng bitcoin không có giá trị thực chất gì.
"Dù cho rằng bitcoin có thể tồn tại lâu dài, nhưng tôi tin rằng đồng tiền ảo này sẽ bị coi là bất hợp pháp tại nhiều nơi, chẳng hạn như Trung Quốc thời gian qua", vị CEO nói.
Thêm nữa, ông còn cho rằng các cơ quan chức năng sẽ điều tiết tiền ảo một cách cực kỳ gắt gao.
Quan điểm của CEP JPMorgan có thể đúng khi mới đây, Chính phủ Mỹ đã tăng cường vấn đề giám sát đối với thị trường tiền ảo.
Hôm 8/10 vừa qua, hãng tin Bloomberg đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc một sắc lệnh điều hành nhằm điều động các cơ quan liên bang nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị về thị trường tiền ảo.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng những quy định được cân nhắc kỹ lưỡng sẽ có lợi cho thị trường tiền số tại Mỹ.
"Nếu mọi người muốn tiền điện tử trở thành một tài sản chính, thì tôi nghĩ việc xây dựng các quy định là bước cần thiết đầu tiên", bà Anjali Jariwala, người sáng lập của Fit Advisors từng chia sẻ với CNBC.
Tuy nhiên, những người ủng hộ tiền điện tử đang cảnh giác với các quy định bổ sung khi họ lo lắng rằng khuôn khổ quy định cứng nhắc có thể kìm hãm tính đổi mới của tiền điện tử ở Mỹ và khiến dòng tiền chảy sang các quốc gia khác.