|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CEO công ty vốn 500.000 tỷ cho rằng số vốn vẫn 'khiêm tốn' và hệ sinh thái 17 công ty chỉ với 20 nhân viên

19:38 | 01/06/2021
Chia sẻ
Thành lập công ty với mức vốn điều lệ khiến người khác phải đặt dấu hỏi song CEO công ty công nghệ vốn 21,7 tỷ USD này chia sẻ vẫn còn "khiêm tốn" so với tiềm năng phát triển của công ty.

Một cá nhân sinh năm 1986 thành lập một loạt doanh nghiệp trong tháng 5 trong đó có một công ty công nghệ với vốn điều lệ lên tới 500.000 tỷ đồng (khoảng 21,7 tỷ USD). 

Một con số kỷ lục khi còn vượt xa giá trị của Tập đoàn Vingroup - CTCP (Mã: VIC) hay Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB), là hai đơn vị có vốn hoá lớn nhất trên sàn chứng khoán tính đến hết tháng 5. 

Nhiều người không khỏi nghi ngại về việc có hay không việc có sự nhầm lẫn về con số khi đăng ký doanh nghiệp ở đây.

Công ty chỉ gồm 20 nhân viên, chuyên đầu tư startup

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) cho biết số vốn góp lên tới 21,7 tỷ USD đứng tên ông Quốc Anh là nguồn lực huy động từ bên ngoài, không phải của cá nhân ông.

Theo nhận định của ông thì số vốn 21,7 tỷ USD vẫn còn "khiêm tốn" do "đất nước mình còn nghèo nên nghe tới con số 21 tỷ USD thì lớn quá". 

Hiện công ty có khoảng 100 sản phẩm công nghệ. Khi tiếp cận doanh nghiệp thì ông giả sử "với khoảng 1,4 đến 1,6 triệu doanh nghiệp Việt Nam, với mức giá ví dụ là 1 triệu đồng cho việc chuyển đổi số thì con số doanh thu rất lớn. Chưa kể tới 150 quốc gia khác trên thế giới". 

Ông chia sẻ mới xây dựng hệ sinh thái này được 2,5 tháng và chỉ lập pháp nhân tháng 5 vừa qua. Ông nhận định "tốc độ xây dựng doanh nghiệp của ông gấp 30 lần các doanh nghiệp đang làm bây giờ".

Tổng số nhân viên theo lời của ông Quốc Anh là khoảng 20 người.

Mục tiêu của công ty vốn 21,7 tỷ USD được ông Quốc Anh cho biết là đầu tư cho startup. Ông cho biết công ty này sẽ cam kết với startup khởi nghiệp thành công. Khi đầu tư trọn gói, công ty của ông sẽ "đồng hành, cam kết sẽ không bao giờ mất vốn".

Hệ sinh thái có 16 công ty công nghệ

Thông tin thêm, không chỉ thành lập CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) có vốn điều lệ 500.000 tỷ mà ông Nguyễn Vũ Quốc Anh còn góp vốn, giữ vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của nhiều pháp nhân khác như: CTCP Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn cầu (GAB Group), CTCP Tập đoàn Công cụ Tự động Toàn cầu (GAT Group), CTCP Tập đoàn Qùa tặng Cao cấp Toàn cầu (GLG Group), Công ty TNHH E-Commerce Headhunter Việt Nam.

Trong đó, GAB Group có vốn điều lệ lên tới 25.000 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là 25.300 tỷ.

Còn GAT Group có vốn điều lệ 100 tỷ, GLG Group vốn 50 tỷ và E-Commerce Headhunter Việt Nam vốn 1 tỷ đồng. 

Ngoài E-Commerce Headhunter Việt Nam thành lập vào tháng 4/2020 thì Auto Investment Group, GAT Group, GAB Group cùng được thành lập ngày 20/5. Riêng GLG Group chỉ mới được thành lập ngày 28/5.

CEO công ty vốn 500.000 tỷ cho rằng số vốn vẫn 'khiêm tốn' và hệ sinh thái 17 công ty chỉ với 20 nhân viên - Ảnh 2.

5 pháp nhân mới thành lập của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (Đồ hoạ: Justin Bui).

3 trong 5 doanh nghiệp trên là E-Commerce Headhunter Việt Nam, GLG Group, GAT Group đều có trụ sở trùng với địa chỉ đăng ký thường trú của ông Quốc Anh là số 109 đường 3, phường Phước Bình, quận 9, TP HCM.

Doanh nghiệp vốn 500.000 tỷ thì có trụ sở tại toà nhà Bitexco Financial Tower còn GAB Group có trụ sở tại toà Landmark 81.

Đáng lưu ý, trụ sở công ty 21,7 tỷ USD và GAB Group thuộc khai thác của Compass Offices, một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cho thuê văn phòng ảo và văn phòng dịch vụ. Văn phòng ảo này là dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp một địa chỉ thực và các tiện ích văn phòng khác nhưng không bao gồm văn phòng làm việc.

Trao đổi với người viết, CEO công ty 21,7 tỷ USD tiết lộ hệ sinh thái của ông có tới 17 công ty trong đó có 16 công ty về công nghệ còn một công ty bán lẻ (CTCP Tập đoàn Quà tặng Cao cấp Toàn cầu).

Hiện ông mới thành lập 4 pháp nhân về lĩnh vực công nghệ. CTCP Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn cầu là công ty mẹ, sẽ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp lớn và nhỏ, startup, hộ kinh doanh.

Giới thiệu với người viết về công ty mẹ, CEO Quốc Anh cho biết chiến lược kinh doanh của đơn vị này là kinh doanh tự động theo mô tip nhân bản 5.0 với mục đích chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài.

CEO công ty vốn 500.000 tỷ: 'Số vốn thực ra vẫn khiêm tốn, hệ sinh thái chỉ gồm 20 nhân viên và tham vọng bán hàng khắp thế giới' - Ảnh 2.

Hệ sinh thái nhóm công ty công nghệ của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh. (Nguồn: Website doanh nghiệp là https://autobusiness.vn/)

Ông Quốc Anh cũng tiết lộ về bản thân rằng từng làm việc cho những tập đoàn lớn như Tập đoàn Vingroup, Cen Group, SCI Group,... nên tích luỹ kinh nghiệm để startup.

Đáng chú ý, ông Quốc Anh còn chia sẻ định hợp tác với Tập đoàn FPT song vì dịch bệnh bùng phát nên dừng lại. Ông cho hay công ty của ông cũng sẽ phân phối sản phẩm của FPT như hệ thống cơ sở hạ tầng mạng.

Tập đoàn của ông sẽ mua bán, sản xuất những phần mềm, ngoài ra còn phân phối sản phẩm của công ty công nghệ khác. 

Qua trao đổi, ông Quốc Anh nói thêm hệ sinh thái của ông đã có công ty xây dựng hệ sinh thái platform về mạng xã hội cho doanh nghiệp Việt Nam, sàn thuơng mại điện tử, blockchain,...

Ông cho hay dự kiến giữa tháng 6 này sẽ có cuộc họp báo với truyền thông.

Việc đăng ký vốn điều lệ khủng không thể hiện tầm vóc của công ty

Trao đổi với người viết, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho biết dưới góc độ pháp lý thì việc đăng ký vốn điều lệ bao nhiêu là quyền của bất cứ ai. 

Tuy nhiên, ngoài việc thể hiện tiềm năng tài chính thì việc này cũng thể hiện trách nhiệm của người góp vốn liên quan với các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước như thuế môn bài rất cao.

Ngoài ra, theo Luật doanh nghiệp, trong thời hạn 90 ngày nếu không thực hiện đúng như cam kết góp vốn thì sẽ phải chào bán phần không góp đủ cho tổ chức hoặc cá nhân khác hoặc phải làm thủ tục giảm vốn. Nếu không thực hiện các điều trên thì có thể bị xử phạt hành chính.

Về góc độ kinh doanh, với những đối tác, nhà đầu tư, Luật sư cho rằng không quá coi trọng vốn điều lệ đăng ký, họ sẽ nhìn vào quy mô tài sản, lĩnh vực hoạt động và năng lực quản lý khối tài sản đó ra sao.

Liệu có nguy cơ rủi ro, tác động gì xấu hay không?

Luật sư cho rằng giới doanh nhân đánh giá nhau không khó nhưng với những người kém hiểu biết trong môi trường kinh doanh khi doanh nghiệp không góp vốn thật khiến những người đó hiểu nhầm để tác động vào công việc kinh doanh thì đáng nghi ngại và nên đặt dấu hỏi

Ông Hải giả sử, vì quy mô vốn khủng như trên mà doanh nghiệp tiến hành huy động vốn sẽ tạo ra rủi ro với người nhà đầu tư.

Với một khía cạnh khác là phòng chống rửa tiền, Luật sư cho biết khi thấy khoản tiền quá bất thường thì phía pháp luật vẫn bao quát và rà soát.

Theo khoản 5 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2014 đã có quy định nghiêm cấm việc kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP cho biết sẽ "phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký". Đồng thời phải buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 28.

Hoàng Kiều