|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Cát tặc' hoành hành từ Việt Nam tới Colombia

13:32 | 09/05/2019
Chia sẻ
Hoạt động khai thác cát đang làm sói mòn nhiều vùng đồng bằng và bờ biển của thế giới, gây tổn hại đến môi trường và sinh kế tại nhiều quốc gia từ Campuchia, Việt Nam đến Colombia.
Cát tặc hoành hành từ Việt Nam tới Colombia - Ảnh 1.

Khai thác cát gây tác hại lớn nhưng không nhận được nhiều sự chú ý.

Nguyên nhân xuất phát từ việc chính phủ các nước không đáp ứng được nhu cầu cát gia tăng trên thị trường, Liên Hợp Quốc cảnh báo hôm 7/5.

Theo báo cáo được công bố bởi Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), nhu cầu toàn cầu về cát và sỏi, được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, là khoảng 50 tỉ tấn - hay trung bình 18 kg/người/ngày.

Khai thác cát ở sông và biển đã làm gia tăng ô nhiễm và lũ lụt, hạ thấp mực nước ngầm, làm tổn thương hệ sinh vật biển và làm trầm trọng thêm tình trạng lở đất và hạn hán.

"Chúng ta đang sử dụng cát nhanh hơn lượng chúng ta có thể sản xuất đúng cách", bà Joyce Msuya, giám đóc điều hành của UNEP, cho hay trong một tuyên bố.

"Hoạt động khai thác cát - một trong những loại hàng hóa được buôn bán nhiều nhất trên hành tinh - lại diễn ra theo cách ít được kiểm soát nhất và nhận thức chung về tác hại của hoạt động khai thác đang ở mức rất thấp".

Dân số, đô thị hóa và số dự án cải tạo đất ngày càng tăng cùng tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng ở các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đã thúc đẩy nhu cầu cát lên gấp ba lần trong hai thập kỉ qua, UNEP cho biết.

Trong khi đó, việc xây dựng đập sông và khai thác quá mức đã làm giảm trầm tích do các con sông mang ra khu vực ven biển, từ đó khiến trầm tích ở vùng đồng bằng ven sông sụt giảm và xói món bãi biển nhanh hơn.

"Các cộng đồng tại vùng đồng bằng châu Á là những người thua thiệt nhiều nhất khi tác động kết hợp của khai thác cát, xây dựng đập thủy điện và khai thác mạch nước ngầm khiến diện tích đất liền bị thu hẹp và chìm xuống", ông Marc Goichot tại Quĩ Tự nhiên Toàn cầu (WFN) cho hay.

"Tuy nhiên, khi nhu cầu cát vẫn cao và không có nguồn cung ứng thay thế, việc hạn chế khai thác cát là không thể xảy ra, vì nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào loại nguyên liệu này", ông Goichot nói.

Cát - hàng hóa quá "tầm thường" để nhận được sự quan tâm

Theo UNEP, khung pháp lí hiện tại không đủ hiểu quả và các "cát tặc" gồm công ty xây dựng, doanh nhân và buôn lái tại các nước như Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ, Kenya và Sierra Leone  thường xuyên bỏ qua các luật hiện hành.

Ngành khoa học giúp củng cố hoạt động tiêu thụ và khai thác cát có trách nhiệm đang bị đình trệ. Đồng thời, các công nghệ và nguyên liệu mới có thể thay thế hay hạn chế việc sử dụng xi măng truyền thống đang dần tăng lên, tuy nhiên vẫn còn hạn chế.

Tại Ấn Độ, một cuộc điều tra của Quĩ Thomson Reuters năm 2017 đã tiết lộ rằng các công nhân đã chết đuối trong khi khai thác cát trái phép tại một số khu vực của nước này.

Mặc dù nhận thức về tác động của hoạt động khai thác cát đã tăng lên và hiện có nhiều luật đã được ban hành, cần nỗ lực nhiều hơn để điều tiết cung - cầu nhằm đưa ra qui định hiệu quả, bà Sumaira Abdulali của nhóm bảo vệ môi trường Quĩ Awaaz cho biết.

"Các cộng đồng đang mất đất và nhà vì khai thác cát, nhưng họ lại bị chia rẽ vì vấn đề này bởi một số người kiếm sống từ đó, mặc dù cuộc sống của một số người khác đang bị hủy hoại", bà Abdulali nói với Quĩ Thomson Reuters.

Khai thác cát không thể nhận được sự chú ý như khai thác kim cương trái phép. Tuy nhiên, việc này đáng được chú ý vì tác động của nó rất lớn.

Trần Nam Thi