Cấp bách 'mở' cửa ngõ TP.HCM: Linh hoạt phương án đầu tư
Mặc dù đã được điều chỉnh bổ sung nhưng các nội dung hướng dẫn vẫn chưa ban hành kịp thời. Dự án đầu tư theo hình thức BOT phải nghiên cứu chuyển đổi sang hình thức khác cho phù hợp theo quy định, đồng thời các nhà đầu tư phải đối mặt với rất nhiều rủi ro nên e ngại không dám tham gia.
Thậm chí, có nhà đầu tư đã bỏ tiền làm nghiên cứu tiền khả thi, nhưng do nhiều vướng mắc về cơ chế, cũng đành “rút lui”. Các dự án đầu tư theo hình thức BT lại càng gặp khó khăn do quy định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư chưa có hướng dẫn thanh toán. Cầu, đường, vì thế mà cứ mãi ách tắc trong vòng luẩn quẩn.
Tại cuộc họp về tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm mới đây, đại diện Sở GTVT TP. HCM đã đưa ra đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án mở rộng QL13, QL22, QL1A, QL50, đường Vành đai 2.
Theo đó, các dự án này trước đây được đầu tư theo hình thức BOT, BT nhưng nay Chính phủ chưa có các quy định cụ thể về hoàn trả quỹ đất cho nhà đầu tư theo hình thức BT, nên cần chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công bằng vốn ngân sách. Việc đầu tư các dự án trên theo hình thức BOT cũng được nhận định là sẽ gặp nhiều khó khăn, vì đây không phải là dự án làm mới mà chỉ là nâng cấp, mở rộng tuyến đường.
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường đại học GTVT TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh các công cụ điều tiết chung về chính sách đối với các dự án thực hiện theo hình thức PPP, BOT chưa rõ ràng, việc TP điều chỉnh phương án đầu tư một số dự án cấp bách sang đầu tư công là hợp lý.
Tuy nhiên, tổng nguồn lực tập trung thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2018 - 2020 là 96.159 tỉ đồng, trong khi vốn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Chuyển nhiều dự án giao thông sang đầu tư công sẽ tạo áp lực rất lớn lên “túi tiền” của TP.
Do đó, TP cần rà soát, đánh giá, chọn lọc các dự án thật sự khẩn thiết để bố trí vốn đầu tư ngay. Đối với các dự án còn lại, có thể linh hoạt điều chỉnh phương án đầu tư sang PPP khi khung pháp lý đã hoàn thiện.
Giải bài toán nguồn vốn cho hạ tầng giao thông, KTS Ngô Viết Nam Sơn hiến kế: TP.HCM đang sở hữu nguồn đất rất lớn, nhưng chưa tận dụng hiệu quả. Tất cả các dự án giao thông đều gắn liền với cơ hội phát triển rất lớn của các dự án đô thị. Giao thông phát triển, thông thoáng thì giá trị các dự án xung quanh cũng tăng lên rất nhiều.
Ở nước ngoài, mỗi khi mở đường, làm đường mới, chính quyền thường yêu cầu các hộ gia đình, nhà đầu tư tại khu đất hai bên phải đóng góp bằng chính sách thuế mới. Người dân khi đó sẽ có 2 sự lựa chọn: một là bán đất, rời đi; hai là tiếp tục ở lại nhưng đóng thuế cao hơn, tương ứng với giá trị đất tăng lên sau khi có đường mới. Tiền này sẽ được xoay vòng trở lại đầu tư vào việc thi công, thực hiện dự án.