Cao tốc Trung Lương - Cần Thơ phải xong trong 2019
Phó thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải rút ngắn tiến độ dự án từ 1- 2 năm.
Theo báo cáo của Ban quản lý, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 14.678 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BOT, được triển khai từ năm 2015.
Dự án dự kiến triển khai thi công bắt đầu từ quý 2/2017 và hoàn thành vào quý 3/2020. Hiện dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đã giải phóng xong mặt bằng.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 6.384 tỷ đồng theo hình thức BOT, đã được phê duyệt đề xuất dự án năm 2016, hiện đang triển khai công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Tiến độ dự kiến triển khai thi công bắt đầu từ quý 3/2018 và hoàn thành quý 3/2021.
Chỉ đạo tại buổi thị sát, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tuyến cao tốc Tp.HCM đi Cà Mau, trong đó có đoạn cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, là tuyến giao thông “xương sống” của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1A, kết nối giữa vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với khu vực phát triển năng động nhất của cả nước là Tp.HCM, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả khu vực.
Đáng chú ý, Phó thủ tướng yêu cầu đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận rút ngắn tiến độ 1 năm, đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ rút ngắn tiến độ 2 năm để đưa vào khai thác vào năm 2019”, Phó thủ tướng chỉ đạo và khẳng định “Chất lượng không bảo đảm thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm”.
Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực tham gia đầu tư các công trình BOT đường cao tốc nói chung, tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ nói riêng; tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng thương mại, báo cáo những vấn đề vướng mắc với Chính phủ để giải quyết.
Phó thủ tướng cũng giao UBND các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư, nhà thầu để giải phóng nhanh mặt bằng, góp phần quan trọng giúp bảo đảm yêu cầu tiến độ đề ra với mỗi dự án.
Các Bộ Giao thông Vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, UBND các tỉnh có tuyến đường cao tốc đi qua phải tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, khắc phục thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng.