|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có nguy cơ chậm tiến độ

07:59 | 10/06/2021
Chia sẻ
Việc khan hiếm nguồn vật liệu thi công, đặc biệt là đất đắp nền đường khiến việc triển khai thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đứng trước nguy cơ bị chậm tiến độ.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có nguy cơ chậm tiến độ do thiếu vật liệu - Ảnh 1.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, mặt đường hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. (Ảnh: Khải An).

Gói thầu xây lắp số 3 có chiều dài hơn 35 km là một trong hai gói thầu xây lắp thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trên địa bàn Đồng Nai. Dự án được triển khai vào tháng 10/2020 bởi liên doanh nhà thầu Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn đất để phục vụ đắp nền đường, Báo Đồng Nai cho biết. 

Theo tính toán, gói thầu số 3 cần khoảng 3,4 triệu m3 đất san lấp, nhưng đến nay nhà thầu mới chỉ có khoảng 1,2 triệu m3 đất san lấp được tận dụng trong quá trình bóc tách khi thi công tuyến. 

Đối với hơn 2 triệu m3 đất san lấp còn lại, nhà thầu vẫn đang loay hoay tìm nguồn cung ứng. Trường hợp không thể tìm được nguồn đất vào cuối tháng 6, việc thi công gói thầu số 3 sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng đến tiến độ thi công toàn dự án.

Theo hồ sơ kỹ thuật, nguồn đất san lấp phục vụ thi công gói thầu số 3 được lấy từ 4 mỏ đất trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc. Tuy nhiên đến nay, các mỏ này vẫn chưa hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác.

Việc thiếu nguồn đất cũng đang gây nhiều khó khăn đối với nhà thầu thi công gói thầu xây lắp số 4, có chiều dài 16 km, cần gần 1 triệu m3 đất đắp nền đường, hiện nhà thầu phải mua đất từ mỏ đá Núi Nứa (TP Long Khánh) để phục vụ thi công, đảm bảo tiến độ.

Tại buổi họp ngày 3/6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là dự án trọng điểm nên tỉnh ưu tiên các giải pháp gỡ vướng đối với nhu cầu vật liệu, nhất là nguồn đất đắp. 

Tuy nhiên, do các nhà thầu không chủ động thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác đối với các mỏ đất nên Ban Quản lý dự án Thăng Long cần chỉ đạo các nhà thầu gấp rút thực hiện các thủ tục cấp phép để đảm bảo nguồn vật liệu của dự án. 

Để giải quyết nhu cầu trước mắt, tránh việc phải ngưng thi công do thiếu nguồn đất đắp, tỉnh Đồng Nai sẽ giải quyết cho chủ đầu tư một số vị trí khai thác đất theo mục đích cải tạo đất nông nghiệp.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam, được Quốc hội chuyển đổi từ hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước.

Dự án có chiều dài 99 km, trong đó đi qua địa bàn Đồng Nai là 51,5km. Giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là gần 12.600 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 7.201 tỷ đồng.

Tổng diện tích đất bị thu hồi để thực hiện dự án là 761,26 ha (Bình Thuận: 365,89 ha; Đồng Nai: 395,37 ha), khoảng 1.906 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng (Bình Thuận: 654 hộ; Đồng Nai: 1.249 hộ).

Hoàng Huy