|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cao su Việt Nam mất dần thị phần vào tay Bờ Biển Ngà

16:27 | 31/10/2024
Chia sẻ
Hiện Bờ Biển Ngà đã vượt qua Việt Nam để trở thành nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới, sau Thái Lan và Indonesia. Sự tăng trưởng trong sản lượng cao Bờ Biển Ngà phần nào nhờ vào nông dân chuyển từ trồng ca cao sang cao su với hy vọng thu nhập ổn định hơn.

 

Theo Nikkei Asia, Bờ Biển Ngà đang dần vượt qua các quốc gia Đông Nam Á để trở thành một nhà sản xuất cao su lớn nhờ các quy định bền vững sắp được áp dụng ở châu Âu. Theo Nhóm Nghiên cứu Cao su Quốc tế, nước này đã sản xuất 1,55 triệu tấn cao su tự nhiên vào năm ngoái, gần gấp đôi so với mức 815.000 tấn vào năm 2019. Hiện Bờ Biển Ngà đã vượt qua Việt Nam để trở thành nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới, sau Thái Lan và Indonesia.

Sự tăng trưởng này phần nào nhờ vào nông dân tại Bờ Biển Ngà chuyển từ trồng ca cao sang cao su với hy vọng thu nhập ổn định hơn. Quy định Phòng chống Phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR), dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2025, cũng đóng vai trò trong việc thúc đẩy sản xuất.

Quy định mới sẽ yêu cầu chứng minh sản phẩm được bán tại thị trường EU không gây ra tình trạng phá rừng. Các đồn điền cao su tại Bờ Biển Ngà đã được hỗ trợ để tuân thủ tiêu chuẩn mới, giúp các nhà sản xuất lốp xe và các khách hàng khác tại châu Âu có thể nhập khẩu sản phẩm đáp ứng EUDR.

Tuy nhiên, việc đáp ứng yêu cầu EUDR vẫn là một thách thức. Có lo ngại rằng người mua sẽ chuyển sang các nông trại lớn với chuỗi cung ứng dễ truy xuất hơn, khiến những nông dân nhỏ bị loại khỏi ngành.

"Hiện nay, một số người đang cân nhắc đặt hàng từ các nông dân và công ty có thể tuân thủ quy định," ông Takahiro Saito, đối tác của Trung tâm Xuất sắc về Bền vững của PwC Nhật Bản, cho biết. "Cũng có lo ngại về nguy cơ thất nghiệp và suy giảm ngành công nghiệp ở các quốc gia không thể đáp ứng."

Ngược lại, các nông dân tuân thủ được EUDR có thể hưởng lợi lớn. "Việc thực hiện EUDR đang thúc đẩy thay đổi lớn trong nguồn cung cao su tự nhiên của chúng tôi," một đại diện từ một nhà sản xuất lốp xe lớn chia sẻ.

Indonesia và Thái Lan hiện sản xuất khoảng một nửa lượng cao su tự nhiên của thế giới. Tuy nhiên, sản lượng của Indonesia – nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới – đã giảm 20% từ năm 2019 xuống còn 2,65 triệu tấn vào năm ngoái. Không giống Bờ Biển Ngà, Indonesia chứng kiến số lượng nông dân sản xuất cao su giảm dần.

"Do chính phủ không tích cực hỗ trợ nông dân, nên có làn sóng chuyển đổi sang trồng dầu cọ và các sản phẩm khác khi giá cao su sụt giảm cách đây 3-4 năm," ông Shinichi Kato, chủ tịch của một công ty kinh doanh cao su tại Tokyo, cho biết. 

"Ngoài ra, cũng có ít tiến triển trong việc thay thế các cây cao su cũ bằng cây mới," ông Kato nói thêm.

Indonesia đã chậm chuẩn bị cho EUDR, khiến nước này tập trung xuất khẩu sang các nước không thuộc EU như Trung Quốc và Ấn Độ.

Tại Thái Lan, nhà sản xuất cao su lớn nhất thế giới, cơ quan cao su đã công bố một nền tảng dữ liệu truy xuất vị trí của các đồn điền cao su và thông tin về các hoạt động chế biến cao su trên toàn quốc để tuân thủ EUDR.

Các lo ngại về nguồn cung cũng gia tăng. Thái Lan đã trải qua mưa lớn và lũ lụt từ mùa hè. Đầu tháng 9, bão Yagi gây thiệt hại nghiêm trọng cho các khu vực sản xuất cao su ở đảo Hải Nam, Trung Quốc và phía bắc Việt Nam.

Hợp đồng cao su giao dịch nhiều nhất trên Sàn Osaka đạt 419,7 yen (khoảng 2,7 USD)/kg vào ngày 8/10 – tăng khoảng 60% so với cuối năm 2023. Giá thị trường được dự báo sẽ duy trì ở mức cao.

 Giá cao su tại Nhật Bản trong một năm qua (Đơn vị: yen/kg, nguồn: MacroMicro)

"Những lo ngại về thời tiết và sụt giảm lượng hàng tồn kho dự kiến sẽ tiếp tục," ông Tsutomu Kosuge, người đứng đầu công ty nghiên cứu hàng hóa Marketedge, cho biết.

H.Mĩ