|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cảng hàng không Điện Biên không phù hợp với các cân tài chính của ACV

22:27 | 16/10/2020
Chia sẻ
Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, việc đầu tư mới cảnh hàng không Điện Biên của ACV hiện nay không phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn của doanh nghiệp.
Cảng hàng không Điện Biên không phù hợp với các cân tài chính của ACV - Ảnh 1.

Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và ACV đều cho thấy, cảng hàng không Điện Biên không có khả năng hoàn vốn trong 50 năm tới. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Thông tin từ Báo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về đề xuất của Bộ Giao thông vận tải giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên.

Qua rà soát tính toán, điều chỉnh qui mô đầu tư dự án của ACV, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho rằng dự án không có hiệu quả về mặt tài chính, không phù hợp với qui định về việc đầu tư bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn.

Cụ thể, tỉ lệ hoàn vốn nội bộ IRR (tỉ lệ lợi nhuận được sử dụng trong lập ngân sách vốn để đo lường và so sánh các lợi nhuận đầu tư) chỉ đạt 3,07%, giá trị hiện tại ròng âm 1.250 tỉ đồng và thời gian hoàn vốn 50 năm.

Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nếu việc tính toán hiệu quả tài chính của dự án dựa trên cơ sở chỉ có các nguồn thu từ khu hàng không dân dụng, trong khi ACV phải bỏ vốn đầu tư cả khu bay sẽ không đúng bản chất và không phù hợp.

Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và ACV đều cho thấy, cảng hàng không Điện Biên không có khả năng hoàn vốn trong 50 năm tới.

Về vai trò, đây không phải là cảng hàng không trung chuyển chính, cũng không phải cảng hàng không có tiềm năng du lịch.

Đến nay, cảng hàng không này chưa khai thác hết công suất nhưng cũng chưa có chủ trương đóng cửa như ý kiến của Bộ Giao thông vận tải.

Song, việc đầu tư dự án vì mục tiêu an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế địa phương có thể xem xét.

Tuy nhiên, dự án phải đặt trong tổng thể khả năng cân đối nguồn lực của ACV và thứ tự ưu tiên đầu tư giữa các cảng hàng không để bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Về phương án huy động vốn và cân đối vốn đầu tư dự án, Ủy ban quản lý vốn cho biết, theo báo cáo của ACV, tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án do ACV phụ trách giai đoạn 2020 - 2025 hơn 136.500 tỉ đồng.

Trong đó, 21 cảng hiện hữu chiếm hơn 43.400 tỉ đồng và dự án sân bay Long Thành gần 94.000 tỉ đồng. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tiền mặt ACV còn 31.184 tỉ đồng.

Dự kiến, nguồn tiền tích lũy giai đoạn 2020 - 2025 giảm rất mạnh so với các dự báo trước đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và dự báo lợi nhuận của ACV đến năm 2025 vẫn thấp hơn năm 2019.

Ngoài ra, khi ACV áp dụng các chính sách mới tương tự như doanh nghiệp Nhà nước thì nguồn tiền tích lũy của ACV dự kiến giảm rất mạnh.

Thời gian tới, ACV cần tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm như: Xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Mở rộng nhà ga hành khách T2 cảng hàng không Nội Bài và dự án cảng hàng không Long Thành.

"Tại thời điểm hiện nay, quyết định đầu tư mới cảng hàng không Điện Biên dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là không phù hợp với khả năng cân đối vốn nguồn vốn của ACV", văn bản của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước nêu rõ.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao ACV đầu tư xây dựng cảng hàng không Điện Biên.

Dự án bao gồm toàn bộ khu bay và khu hàng không dân dụng, được đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp và do UBND tỉnh Điện Biên thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bằng nguồn vốn của tỉnh.

Tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến 1.539 tỉ đồng, không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Ngọc Anh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.