|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Canada nuôi hy vọng trở thành thung lũng Silicon tiếp theo

17:45 | 15/06/2017
Chia sẻ
Bằng những chương trình thị thực mới, chiến dịch quảng cáo và thay đổi về chính sách kinh tế đối với ngành công nghệ, Canada đang cố gắng để thu hút người lao động tay nghề cao và công ty công nghệ đến với nước này. 
canada nuoi hy vong tro thanh thung lung silicon tiep theo

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gây khó khăn cho các công ty trong việc thuê nhân viên có trình độ cao từ các quốc gia khác trên thế giới, thông qua việc không cấp thị thực (visa) cho những người lao động này và dừng xem xét lại chương trình visa H-1B. Trong khi đó, Canada đang thử nghiệm một chính sách mới, nhằm đẩy nhanh tiến trình cấp visa.

Hôm thứ Hai (12/6), chính quyền Canada bắt đầu triển khai chương trình mới về phát hành giấy phép lao động và visa tạm trú trong 2 tuần thay cho quy định trước. Chương trình thử nghiệm trong 2 năm, một phần của chương trình Global Skills được công bố vào năm ngoái, sẽ được áp dụng cho những công ty sáng tạo đang tìm kiếm lao động tay nghề cao.

Sự thay đổi này là một trong những nỗ lực mới nhất của Canada nhằm thu hút ngành công nghệ ở vùng biên giới phía bắc.

Canada cũng thử nghiệm nới lỏng các quy định, miễn thuế và xây dựng lại thương hiệu. Cuối năm nay, Ontario (một tỉnh bang của Canada) sẽ triển khai một chiến dịch quảng cáo nhằm vào các nhà lãnh đạo và người lao động ở thung lũng Silicon.

“Khi cơ hội đến, chúng tôi sẽ nắm bắt. Định hướng hiện tại của chính quyền Tổng thống Trump tập trung vào phát triển bên trong hơn bên ngoài, và đi ngược với phương hướng chúng tôi muốn đi”, Bộ trưởng Bộ Phát triển và Đầu tư kinh Kế của Ontario, ông Brad Duguid cho biết.

Chính quyền của ông Trump đã nói rằng muốn cải cách chương trình H-1B để loại bỏ việc lạm dụng chính sách này của một số đối tượng. Ngay sau đó, ngành công nghệ Mỹ đã lên tiếng chi trích chính sách nhập cư của ông Trump. Theo Tổ chức chính sách quốc gia Mỹ, hơn một nửa các doanh nghiệp mới khởi nghiệp có giá trị tỷ USD ở Mỹ được thành lập bởi các doanh nhân không sinh ra ở Mỹ.

Đây không phải là lần đầu tiên Canada thu hút người lao động trong ngành công nghệ đến các doanh nghiệp và thành phố của Canada. Những công ty như Sortable đã chạy chiến dịch quảng cáo riêng để mời người lao động tại Mỹ sang làm việc. Hay một tổ chức được gọi là True North cung cấp các gói dịch vụ cho công ty Mỹ quan tâm tới việc mở các chi nhánh tại Canada.

Ontario, quê hương của Blackberry và những doanh nghiệp mới khởi nghiệp như Hootsuit và Shopify, cũng triển khai cơ quan vệ tinh cho những công ty công nghệ tài chính lớn như Google, Facebook, IBM và Amazon. Ông Duguid cho biết Ontario có thế mạnh về những lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, siêu máy tính, công nghệ sạch và xe không người lái.

Ngoài ra, Canada không chỉ phụ thuộc vào các quảng cáo và visa để thu hút các công ty, quốc gia này còn đưa ra nhiều mức tín dụng thuế cạnh tranh. Theo ông Duguid, Ontario đã gỡ bỏ 8.000 quy định để các công ty công nghệ có thể linh hoạt hơn trong việc nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là các công ty quan tâm tới phương tiện không người lái.

Công ty Ford gần đây nói rằng sẽ đầu tư 1,2 tỷ USD cho trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Ottawa (phía Đông tỉnh bang Ontario). Trong khi đó, năm 2016, General Motors công bố họ sẽ tăng số lượng kỹ sư phần mềm trong khu vực lên 1.000 người.

Chất lượng cuộc sống ở Canada cũng là một điểm thu hút đối với người lao động. Những thành phố của Canada cũng rất sinh động, hơn một nửa dân số của Ontario được sinh ở quốc gia khác. Chi phí nhà ở dù vẫn cao, nhưng có vẻ như vẫn chấp nhận được khi so với giá cả hiện tại ở khu vực vùng vịnh.

Ngoài ra, còn có những chương trình miễn học phí dành cho những gia đình có thu nhập thấp và trợ cấp học phí đối với những gia đình có mức lương trung bình và cao. Bên cạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, chương trình chăm sóc dược phẩm toàn dân mới của chính phủ Canada sẽ cấp thuộc miễn phí cho người dưới 25 tuổi.

“Bằng nhiều cách, chúng tôi sẽ biến cuộc sống tốt hơn. Chính phủ mới của Canada thật sự hiểu được tầm quan trọng của việc cải thiện quá trình hấp dẫn người dân thế giới đến với Canada”, ông Duguid nói.

Hiện tại, Canada tập trung vào việc tận dụng lợi thế lập trường chống nhập cư của chính quyền Washington.

Mặc dù vậy, chính quyền Tổng thống Trump không phải lúc nào cũng mang đến tin tốt lành cho người hàng xóm. Kinh tế của Canada gắn chặt với Mỹ. Hiện, Mỹ nhập khẩu các sản phẩm của Canada với trị giá 278,1 tỷ USD/năm, và 29,6 tỷ USD trong dịch vụ. Việc tái đàm phán hiệp định NAFTA, thay đổi chính sách thuế điều chỉnh biên giới, và bất kỳ một chiến dịch “Mua hàng Mỹ” nào cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của Canada.

Lyly Cao