|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cần Thơ mở cửa cho doanh nghiệp một số lĩnh vực hoạt động trở lại từ ngày 18/9

05:35 | 18/09/2021
Chia sẻ
TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế theo hai giai đoạn từ nay đến cuối năm 2021 và từ 1/1/2022 trở đi.
Cần Thơ phục hồi, phát triển kinh tế theo hai giai đoạn - Ảnh 1.

TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế theo hai giai đoạn. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Giai đoạn 1 từ nay đến cuối năm 2021, đến ngày 18/9 sẽ xác định những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn được phép hoạt động trở lại gồm sản xuất kinh doanh, dịch vụ (thiết yếu, xuất khẩu, phục vụ sản xuất đời sống); nông nghiệp ở bốn huyện và các phường vùng xanh của quận; xây dựng cơ bản đầu tư công hoạt động trở lại 100%; đầu tư ngoài ngân sách khuyến khích nhưng phải có đề án đảm bảo phòng dịch…

Từ ngày 18/9 đến cuối năm 2021, vừa làm vừa theo dõi, uốn nắn, kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ tiếp theo trên cơ sở kết quả thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch của ngành y tế, tiến tới khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2022 trở đi, TP Cần Thơ đánh giá các nội dung đã triển khai trong giai đoạn 1, rút kinh nghiệm, đề ra các nhiệm vụ tiếp theo tiến tới khôi phục toàn bộ nền kinh tế.

Ngoài ban hành kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế,  UBND TP Cần Thơ cũng đã ban hành phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ an toàn sau ngày 18/9.

Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn này là nhằm giải quyết tình trạng đa số các doanh nghiệp (DN) đã đóng cửa từ ngày TP thực hiện giãn cách xã hội, đang mong muốn được hoạt động trở lại. Đồng thời, các DN muốn chuyển đổi từ “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” tập trung sang một hình thức vận hành mới mang tính bền vững hơn, chủ động hơn, đảm bảo an toàn sức khỏe và tinh thần cho người lao động.

Giải pháp là tiếp cận mở cửa hoạt động trở lại của các DN (khi tỷ lệ người lao động được tiêm vắc xin còn thấp – thực hiện theo lộ trình phù hợp). Cụ thể, mở cửa theo giai đoạn, lộ trình từng bước vững chắc; giảm gánh nặng cho hệ thống y tế tối đa; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bền vững và liên tục (kể cả khi phát hiện ca nhiễm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ)…

Theo đó, giai đoạn 1, khi các DN đáp ứng có đề án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch được cơ quan có thẩm quyền quản lý phê duyệt. Ưu tiên các DN sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các ngành nghề, lĩnh vực thiết yếu, các DN xuất khẩu, các loại hình kinh doanh, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống. Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ bản thì cho phép mở lại hoạt động 100% nếu có yêu cầu và đáp ứng đầy đủ tiêu chí phòng, chống dịch.

Mức độ sử dụng lao động trong giai đoạn này tương ứng với tỷ lệ người lao dộng được tiêm đủ 2 mũi trong hai tuần trở lên hoặc một mũi trong bốn tuần trở lên.

Giai đoạn 2 điều kiện như giai đoạn 1, về ngành nghề, lĩnh vực mở rộng  thêm, trừ những ngành nghề, lĩnh vực như vui chơi giải trí, trò chơi điện tử, quán bar, vũ trường… và những lĩnh vực chưa thiết yếu khác. Tình hình kiểm soát dịch bệnh của TP ngày càng tốt hơn.

Giai đoạn 3 cho phép mở cửa lại tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, có ca lây nhiễm trong cộng đồng rất ít mỗi ngày, liên tục từ 14 ngày trở lên (1-2 ca).

TTXVN đưa tin, theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, tính đến ngày 16/8, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tạm dừng hoạt động là 1.032 trên tổng số 1.090 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 94,68%. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa và thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp.

Việc thực hiện phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất" của doanh nghiệp sản xuất đã làm tăng chí phí rất cao do phải bố trí thêm chỗ ăn, ở cho lao động và các chi phí về công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch triển khai phương án "3 tại chỗ" hoặc có doanh nghiệp đã triển khai nhưng không thể thực hiện được lâu.

Mặt khác, các công nhân lao động tại doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất đã trải qua thời gian dài (trên 3 tuần) nên có hiện tượng lao động không đủ sức khỏe, nhớ gia đình... nên nhiều công nhân xin rời nhà máy, chấp nhận xin nghỉ việc,...

Chu Lai

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.