Cần Thơ huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông
Nhận thấy tính quan trọng và cấp thiết phát triển hạ tầng giao thông, logistics đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng và liên vùng, Thành ủy Cần Thơ đang xây dựng Đề án phát triển hạ tầng giao thông, logistics trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025 để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển, lộ trình kế hoạch đầu tư, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn vốn đầu tư.
Theo ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, giao thông phải là định hướng cho các ngành khác phát triển, tái cấu trúc lại không gian phát triển thành phố, chuyển đổi các giá trị tài nguyên đang thấp thành cao.
Do đó, thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết cấu nội vùng và liên vùng, cơ sở để Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm và trở thành động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thành phố Cần Thơ tập trung đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ các dự án quan trọng, cấp bách giải quyết các điểm nghẽn, tăng khả năng liên kết vùng, liên kết toàn thành phố, liên kết giữa các phương thức vận tải.
Cần Thơ đặt trọng tâm phát triển hạ tầng logistics đường biển và đường hàng không, thông qua logistics cảng Cái Cui và trung tâm logistics cảng hàng không Cần Thơ.
Tăng cường kết nối hạ tầng giao thông phục vụ phát triển logistics đường biển và đường hàng không, nhằm phát huy tối đa lợi thế về vị trí, vai trò đầu mối giao thông vận tải liên vùng và liên vận quốc tế, đưa thành phố Cần Thơ thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long; phục vụ phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố và cả vùng.
Thời gian qua, hạ tầng giao thông của Cần Thơ đã và đang được Bộ Giao thông Vận tải, thành phố Cần Thơ huy động nhiều nguồn vốn khác nhau đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm, trọng điểm đã góp phần rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, giúp cho việc kết nối thành phố với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh, kết nối các quận, huyện trong thành phố ngày càng thuận lợi, nhanh chóng và từng bước giải quyết bài toán ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Thành phố đã hoàn thành đưa vào khai thác các quốc lộ (quốc lộ 1, quốc lộ 91B, cầu Vàm Cống,...) và các trục đường chính (Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Võ Nguyên Giáp,...); đồng thời, một số đường đô thị thuộc Dự án phát triển thành phố Cần Thơ tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, đường vành đai sân bay,... đã góp phần hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ.
Trong khi đó, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ đã có 13 đường bay khai thác, gồm 9 đường bay nội địa và 4 đường bay quốc tế, nâng công suất từ 500.000 hành khách năm 2015 lên 1.300.000 hành khách năm 2020.
Đối với đường biển, thành phố đã xây dựng hoàn thành khu bến Cái Cui thuộc cảng biển Cần Thơ là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực loại I, thuộc cảng biển nhóm 6; xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu vào năm 2017 góp phần nâng cao năng lực vận tải biển, tạo điều kiện cho thành phố Cần Thơ thành điểm tập kết, xuất nhập hàng hóa cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng vẫn chưa được đầu tư xây dựng theo lộ trình đề ra của các quy hoạch đã được trung ương và thành phố phê duyệt như: các tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang và các tuyến đường tỉnh, đường trục chính đô thị quan trọng chưa được đầu tư xây dựng; phần lớn các cảng, bến thủy nội địa có quy mô vừa và nhỏ, chưa có cảng tổng hợp hành khách, hàng hóa quy mô cấp vùng; cụm cảng biển Cần Thơ chưa khai thác hiệu quả do hệ thống kho bãi, hậu cần logistics chưa được đầu tư đồng bộ, luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu khai thác hoàn chỉnh cho tàu tải trọng 20.000 DWT; chưa xây dựng trung tâm logistics cảng biển, hàng không cấp vùng; một số bến xe khách trung tâm chưa có nhà đầu tư xây dựng và khai thác;...
Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, nguyên nhân chậm trễ các dự án hạ tầng giao thông là do còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là thiếu vốn đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ cho rằng, thành phố Cần Thơ có xuất phát điểm hạ tầng giao thông yếu kém, chưa đồng bộ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn cho hạ tầng giao thông cả về kết nối vùng và kết nối toàn địa bàn thành phố về đường bộ, đường thủy, đường biển, đường hàng không.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ vốn của Trung ương cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chưa tương xứng với vai trò, vị trí của thành phố. Nguồn lực của thành phố và huy động nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư phát triển còn hạn chế. Bên cạnh đó, thành phố chưa tận dụng, khai thác đúng mức tiềm năng, nội lực của địa phương, nhất là khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển.
Những nguyên nhân trên dẫn đến một số dự án giao thông quan trọng chưa triển khai đầu tư xây dựng theo lộ trình đề ra đến năm 2020 tại các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch đã được Trung ương và thành phố Cần Thơ ban hành như: tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; các đường tỉnh 917, 918, 921, 923. Các bến xe, bãi đỗ, bến tàu chưa có nhà đầu tư xây dựng và khai thác. Tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chỉ đạt khoảng 1% nhu cầu đi lại của người dân;...
UBND thành phố Cần Thơ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể mặt bằng Trung tâm logistics hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế trung tâm đồng bằng sông Cửu Long trên địa bàn quận Cái Răng với tổng diện tích 242,2ha để quy hoạch tổng mặt bằng trung tâm logistics, phương án kết nối giao thông và quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật trung tâm logistics.
Mặc dù, UBND thành phố đã kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thực hiện đầu tư trung tâm logistics nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư tham gia thực hiện.