|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cần Thơ giải ngân vốn đầu tư công chậm, thu hút vốn FDI chưa như kỳ vọng

01:00 | 08/09/2022
Chia sẻ
Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, tình hình giải ngân đầu tư công của Cần Thơ đến hết tháng 8 vẫn chậm được cải thiện. Đây là vấn đề kéo dài nhiều năm, mặc dù thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa mang lại hiệu quả tích cực.

Phát biểu tại cuộc họp thường kỳ tháng 8/2022 của UBND thành phố Cần Thơ ngày 7/9, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, tình hình giải ngân đầu tư công của Cần Thơ đến hết tháng 8 vẫn chậm được cải thiện. Đây là vấn đề kéo dài nhiều năm, mặc dù thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa mang lại hiệu quả tích cực.

Kết quả giải ngân kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công của thành phố Cần Thơ đến ngày 24/8 là gần 2.412 tỷ đồng, đạt 28,5% kế hoạch; trong đó, ngân sách địa phương giải ngân hơn 2.232 tỷ đồng, đạt 30,4% kế hoạch.

Theo báo cáo của Kho Bạc Nhà nước Cần Thơ, dự án Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ quy mô 500 giường không thể giải ngân nguồn ODA (994.452 tỉ đồng). Nguyên nhân là do Hiệp định khung và Hiệp định vay đã hết hạn, ngân hàng Eximbank của Hungary đã ngừng giải ngân.

Đối với Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3) hiện nay đang thừa vốn ODA nhưng lại thiếu vốn đối ứng để thực hiện giải phóng mặt bằng và thuế giá trị gia tăng của phần khối lượng xây lắp.

Việc giải phóng mặt bằng nhiều dự án lớn còn chậm, một số dự án chưa có mặt bằng thi công; một số gói thầu xây lắp của các dự án lớn chưa đấu thầu, chưa ký hợp đồng thi công nên chưa đủ điều kiện giải ngân.

Theo ông Trần Việt Trường, giải ngân vốn đầu tư công chậm có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản vẫn là do nhu cầu bức xúc của các địa phương, đơn vị nên vẫn còn việc đầu tư dàn trải, manh mún. Bên cạnh đó, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tuy có tập trung chỉ đạo, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn rườm rà, chưa có sự phối hợp tốt với nhau. Có chủ đầu tư quyết tâm thực hiện nhiệm vụ nhưng cũng còn những đơn vị khi được thành phố giao thì lúng túng, chưa biết cách triển khai.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, dù việc giải ngân đã có vướng mắc nhưng có chủ đầu tư chưa chủ động phối hợp, tham mưu mà còn tâm lý chờ đợi, dẫn đến việc triển khai các dự án đầu tư công của thành phố còn rất chậm.

"Nếu chúng ta nỗ lực giải quyết để tỷ lệ giải ngân từ 95% trở lên thì chắn chắc tăng trưởng của thành phố là hai con số. Đây là nhiệm vụ chúng ta phải phấn đấu thực hiện bằng được. Những tháng còn lại của năm 2022, tôi đề nghị các cấp, các ngành, địa phương đã xác định được khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi thì phải tiếp tục vào cuộc với tinh thần quyết tâm cao hơn để đạt được yêu cầu thành phố đã đặt ra", ông Trần Việt Trường chỉ đạo.

Về thu hút đầu tư, trong tháng 8, UBND thành phố đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án mới gồm: Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III, khu chung cư Kim cương Xanh - Cara River Park, chung cư Nhịp Điệu Xanh - Dream House) với tổng vốn đầu tư đăng ký 28.417,5 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng, thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 29.670 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thu hút dự án FDI của Cần Thơ chưa được như kỳ vọng dù có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Từ đầu năm đến nay, thành phố chỉ cấp mới 1 dự án FDI vốn đăng ký 1,26 triệu USD (Lò hơi công nghiệp Vina AT) nhưng cũng chấm dứt hoạt động 2 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 0,5 triệu USD.

Trong tháng 8/2022, tình hình kinh tế - xã hội của Cần Thơ tiếp tục duy trì được đà phục hồi, phát triển, tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Theo thông báo số liệu GRDP ước tính lần 1 năm 2022 của Tổng cục Thống kê, tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2022 của thành phố ước đạt 9,88%.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh có xu hướng phục hồi tốt.

Trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,88% so với tháng trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ thực hiện 218,67 triệu USD, tăng 9,4% so tháng trước; kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 55,6 triệu USD, tăng 2,29% so với tháng trước.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu trong những ngày qua đang là khó khăn ảnh hưởng tới việc phục hồi kinh tế của thành phố Cần Thơ. Theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, việc giá dầu lần đầu tiên trong lịch sử cao hơn giá xăng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố cơ bản không có tình trạng doanh nghiệp ngừng kinh doanh xăng dầu, đảm bảo được nguồn cung. Tuy nhiên, trước dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục có những khó khăn cục bộ ở thị trường xăng dầu, Sở Công Thương đã báo cáo với UBND thành phố và sẽ tiếp tục theo dõi, tham mưu để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Thanh Liêm