Cần tạo ra sức mạnh tổng hợp của doanh nghiệp Việt trong và ngoài nước
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: VGP/Xuân Tuyến). |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra thông điệp này khi phát biểu tại Diễn đàn với chủ đề “Doanh nhân người Việt tại Nga - Triển vọng hợp tác Việt Nam-Nga trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (FTA Việt Nam-EAEU) có hiệu lực” diễn ra chiều 18/9 (giờ địa phương) tại Tổ hợp thương mại Hà Nội-Moscow.
Tại Diễn đàn, mối quan tâm lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại Nga là những nội dung chính của FTA Việt Nam-EAEU. Nói theo cách của bà con là các bộ, ngành cần làm rõ lợi ích cũng như những thách thức mà Hiệp định này tạo ra với việc làm ăn của kiều bào. Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã dành thời gian khá lớn để giới thiệu về những nội dung này.
Chính phủ đã xây một “sân vận động” đẹp, hiện đại
Về tổng thể, Việt Nam và EAEU sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương.
Cụ thể, theo cam kết về thuế nhập khẩu trong Hiệp định, biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam gồm 9.471 dòng thuế. Ngay trong năm 2016, có tới 4.959 dòng thuế sẽ được cắt giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, chiếm 52,4% tổng biểu thuế.
Tới năm 2018, sẽ có thêm 144 dòng thuế được cắt giảm về 0%, tăng tổng số dòng thuế 0% của Hiệp định lên 5.103 dòng, chiếm khoảng 54% tổng biểu thuế. Đến năm 2018, số dòng thuế 0% sẽ chiếm khoảng 75,5%.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, FTA Việt Nam-EAEU được kỳ vọng sẽ mang lại các lợi ích lớn về thương mại hàng hóa. Các nước tham gia EAEU, trong đó đặc biệt là Nga, là một thị trường rộng lớn mà hiện vẫn tương đối đóng với hàng hoá nước ngoài (thông qua hàng rào thuế quan cao). Cụ thể, dù đã gia nhập WTO nhưng mức thuế nhập khẩu trung bình vào Nga vẫn còn cao, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp. FTA Việt Nam-EAEU có thể khai thông hàng rào thuế quan cao này.
Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên của EAEU đến thời điểm này. Trên thực tế, khu vực EAEU đã từng đàm phán FTA với một số nước nhưng không đạt được tiến triển và bị đình trệ hoặc hủy bỏ. Vì vậy, nếu ký được FTA với khu vực này, hàng hóa Việt Nam sẽ có lợi thế đặc biệt.
Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm giữa Việt Nam và các nước EAEU là tương đối bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp. Do đó, những tác động bất lợi truyền thống của việc mở cửa thị trường Việt Nam cho đối tác qua FTA sẽ được hạn chế.
Đại diện doanh nghiệp đóng góp ý kiến tại Diễn đàn. (Ảnh: VGP/Xuân Tuyến). |
Một điểm rất quan trọng nữa là hiện tại mạng lưới người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại Nga tương đối đông đảo, các DN có thể tận dụng các kinh nghiệm và mối quan hệ từ mạng lưới này để tiếp cận thị trường này.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, FTA Việt Nam-EAEU cũng tạo ra nhiều thử thách đối với DN. Theo cam kết tại Hiệp định này, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường trong nước cho khoảng 90% sản phẩm đến từ các nước EAEU, đặc biệt là các sản phẩm mà khu vực này có thế mạnh xuất khẩu như chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Vì vậy, về lý thuyết, việc mở cửa sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh đáng kể cho các ngành sản xuất trong nước.
Mặc dù vậy, theo Bộ Công Thương, "nguy cơ" này được cho là không quá đáng lo ngại. Trên thực tế, rất nhiều các sản phẩm trong số này Việt Nam không sản xuất được mà phải nhập khẩu. Với các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp, hiện tại Việt Nam cũng đã mở cửa theo các FTA đã có hoặc dự kiến cũng sẽ mở cửa trong các FTA sắp tới. Do đó, tác động đến các DN trong nước của Hiệp định này, nếu có, thì cũng không phải là cú sốc quá lớn.
Bộ Công Thương cũng cho rằng, thách thức sẽ là động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN Việt Nam kinh doanh chưa hiệu quả.
Sau khi trao đổi thẳng thắn, cởi mở với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đại diện các bộ, ngành, ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Nga khẳng định, có thể nói với FTA EAEU, "Chính phủ đã xây cho cộng đồng DN trong nước và DN Việt Nam tại Nga một sân vận động to, đẹp, hiện đại. Việc của các DN là làm sao thi đấu thật tốt”, ông Hoàng nói.
Còn Đại sứ Việt Nam tại Nga Nguyễn Thanh Sơn thì khẳng định đây là Hiệp định đặc biệt, chắc chắn sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các DN trong nước và DN Việt Nam tại Nga.
“Các DN trong nước và DN của người Việt Nam ở nước ngoài phải chủ động tìm đến nhau để mở rộng hợp tác, kinh doanh. Đối với các khó khăn, thách thức, không có cách nào khác là DN phải làm ăn minh bạch, đặc biệt cần chấm dứt cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong nước, trong cùng lĩnh vực”, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm các gian hàng tại Tổ hợp thương mại Hà Nội-Moscow. (Ảnh: VGP/Xuân Tuyến). |
Doanh nghiệp phải nắm lấy cơ hội
Phát biểu với các doanh nhân Việt Nam tại Nga, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định FTA với EAEU đã mở ra một không gian làm giàu cho DN trong nước và DN Việt ở nước ngoài, đặc biệt là tại Nga.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Việt Nam đã mở rộng quan hệ thương mại với hơn 240 quốc gia và vùng lãnh thổ; ký kết trên 10 FTA, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đã kết thúc đàm phán FTA với EU và đang đàm phán ở giai đoạn cuối FTA với Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).
Đặc biệt, với việc cắt giảm ngay hơn 50% dòng thuế về 0%, FTA với EAEU sẽ mở ra cơ hội to lớn cho việc thúc đẩy thương mại, đầu tư, dịch vụ giữa Việt Nam và các nước thành viên.
“Đây là cơ hội lớn cho cả DN trong nước và DN của người Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng sản xuất kinh doanh, làm giàu cho DN, cho nước sở tại và đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Hiệp định còn có đầy đủ các thỏa thuận về các điều kiện thuận lợi hóa thương mại (như kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng rào kỹ thuật và hải quan…) để bảo đảm thúc đẩy hiệu quả quan hệ thương mại, đầu tư, dịch vụ giữa Việt Nam và các nước trong EAEU.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng với việc cắt giảm nhanh số dòng thuế, FTA Việt Nam-EAEU cũng sẽ có những tác động đến mô hình làm ăn của cộng đồng Việt Nam tại Nga.
“Bà con cần tích cực chuyển đổi hoạt động kinh doanh từ kinh tế chợ sang kinh doanh tại các trung tâm thương mại, sản xuất và làm dịch vụ, xem xét khả năng nhập trực tiếp hàng hóa từ Việt Nam sang Nga hoặc làm đại lý cho các DN trong nước”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị DN của kiều bào ở nước ngoài cần có sự kết nối chặt chẽ hơn nữa với các DN trong nước để tạo ra sức mạnh tổng hợp.
“Chính phủ sẽ có trách nhiệm cùng các DN tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng và đoàn công tác đặt hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở thủ đô Moscow. (Ảnh: VGP/Xuân Tuyến). |
Trước đó, vào chiều tối 17/9, Phó Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow.
Sáng 18/9, Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã đến đặt hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở thủ đô Moscow.
Theo Xuân Tuyến
Báo Chính Phủ
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/