|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cần “phá xiềng” để đổi mệnh lúa gạo

14:11 | 14/03/2017
Chia sẻ
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần hiểu đúng hơn về một số thuật ngữ trong lĩnh vực lúa gạo mà xứ mình hay xài.
can pha xieng de doi menh lua gao
Cường quốc xuất khẩu gạo” là quá thậm xưng. Ảnh: T.L

Trước hết thuật ngữ “cường quốc xuất khẩu gạo” là quá thậm xưng, quá đao to búa lớn, vì xuất khẩu 7 triệu tấn gạo mỗi năm cũng chỉ ở mức 1/70 (tức là 1,43%) tổng lượng gạo toàn cầu. Vì vậy nói rằng ta đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới là nói quá!

Thuật ngữ “giá gạo xuất bình quân trong năm” cũng không nói lên được điều gì vì cấu trúc xuất khẩu gạo của Việt Nam đã thay đổi liên tục từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước.

Thuật ngữ “chất lượng gạo” cần được hiểu về mặt dinh dưỡng học, chú ý đến lớp vỏ lụa màu vàng nhạt (vỏ Aleuron, sau lớp vỏ trấu, còn gọi là màng da bạc chứa nhiều vitamin và axit amin). Hạt gạo sáng bóng sau khi được chà xát, làm bay vỏ lụa bằng glucoza hay bột tan (talc), thường bị mất các vitamin. Nhưng nếu không đánh bóng thì bột cám sẽ làm gạo mau chóng bị mốc và bị mối mọt côn trùng ăn, khó bảo quản sau hai tháng đã xay mà không xát gạo.

Trong điều kiện bình thường, chất lượng gạo vẫn tùy thuộc vào giống, vụ mùa, thời tiết, thổ nhưỡng và cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.

Việc tồn kho dự trữ hàng triệu tấn gạo, và nhất là việc trộn gạo cũ chất lượng kém vào gạo mới để bán đã phá nát niềm tin sẽ có thương hiệu gạo được người tiêu dùng thương.

Từ mấy điểm phân tích nêu trên, việc sản xuất và tiêu thụ gạo cần được “phá xiềng”.

Phá xiềng nghĩa là tháo cùm và cởi trói sự ràng buộc cách làm và tư duy không còn phù hợp. Phá xiềng bằng chính sách quán triệt vấn đề và linh hoạt kiến tạo cấu trúc mới, thể chế mới, công nghệ mới, phương thức sản xuất mới, loại hình sở hữu lâu dài hơn cũng như tái phân phối thu nhập công bằng hơn. Ở đây xin nói thêm, Hiệp hội Lương thực (VFA) tuy không là xiềng nhưng cũng là một hàng rào đặt không đúng chỗ và thiếu sự khách quan của một tổ chức nghề nghiệp. Việc duyệt giá và duyệt hợp đồng - thay vì chỉ công bố giá gợi ý, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin - là một biện pháp phi kinh tế thị trường. Cần tháo gỡ chuyện này sau khi Bộ Công Thương đã tháo gỡ một phần về mặt nguyên tắc của Nghị định 109 như vòng kim cô suốt mấy năm nay.

Và đặc biệt phải phá xiềng bên trong để có thể sản xuất hạt gạo theo đúng quy trình GlobalGAP, VietGAP.

Đã đến lúc ta phải gỡ bỏ những trở ngại, những tư duy đã cũ để có thể tạo dựng một chính sách đúng nhằm đổi mệnh hạt gạo Việt Nam.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, phải xây dựng mạng lưới kho ngoại quan ở một nước (ký gửi, thuê và rồi thiết lập cơ sở lâu dài), đặc biệt là tại châu Phi, Trung Đông, Cuba và một số thị trường lớn ở châu Á mà quan trọng là tại Trung Quốc (đang mua hơn một phần ba lượng gạo Việt Nam xuất khẩu).

Xây dựng thương hiệu gạo cho thị trường nội địa. Xây dựng hệ thống bảo quản bằng silo ống côn, mạng lưới kho lương thực vệ sinh, an toàn và đúng chuẩn. Quan trọng là duy trì chất lượng gạo và tạo được sự tin cậy thật sự. Xây dựng các kênh phân phối hiệu quả, mỗi địa phương đều nên có một “bao tử” cho dân chúng ở đó (như vai trò của quận 8 trên bến dưới thuyền ở Sài Gòn trước đây).

Chính sách lúa gạo phải là một quốc sách quan trọng, vừa để thoát nghèo, vừa tăng giá trị và năng suất cây trồng, vừa chuyển dịch lao động bằng đa dạng hóa ngành nghề và tận dụng lúc nông nhàn, phát triển dịch vụ và cả sự chuyển dịch gia công về vùng kinh tế nông thôn. Làm sao phải xây dựng được nền kinh tế nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường, xây dựng cuộc sống nông thôn bền vững và thịnh vượng thật sự.

Những ý vừa đề cập chỉ là phác thảo khởi đầu, tất cả đều đòi hỏi sự dày công nghiên cứu khoa học và quyết tâm đổi đời số phận hạt gạo, nghĩa là đổi đời cho số phận của khoảng một nửa dân số nước ta đang nổi chìm theo hạt gạo!

Thổ Ngọa