Cần nhanh chóng thực hiện đấu giá biển số xe
Ảnh phiên đấu giá biển số xe “S 32 H” tại Singapore. Nguồn: The New Paper
Đấu giá biển số xe là cần thiết, cần làm ngay
Đầu năm ngoái, trong một phiên đấu giá công khai tại Singapore, biển số xe cổ “S 32 H” (được cấp khoảng 70 năm trước) đã được bán với giá 335.000 đô la Singapore (khoảng 5,4 tỉ đồng). Tại Pakistan, đầu năm nay, biển số “1” được bán với giá kỷ lục ở nước này là 710.000 rupee Pakistan (khoảng 154 triệu đồng). Mới tháng trước, ở Ấn Độ, biển số “KL 01 CB 1” được chốt ở mức 1,8 triệu rupee Ấn Độ (khoảng 630 triệu đồng) trong một phiên đấu giá.
Tuy vậy, những con số “khủng” này chưa thấm vào đâu so với cái giá chốt trong phiên đấu giá cho biển số “1” là 18 triệu AED (khoảng 111 tỉ đồng) tại các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất hồi giữa năm ngoái.
Ảnh chụp một góc trang mạng của Land Transport Authority (Bộ Giao thông) Singapore liệt kê các biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá (https://www.onemotoring.com.sg/content/onemotoring/en/lta_e_services/online_enquiries/available_numbers.html)
Nhìn chung, biển số xe càng hiếm, càng “độc”, càng đẹp thì càng được săn lùng và được bán với giá cao, nhiều lúc đến mức không thể tin nổi như nêu ở trên. Nhưng điều này là hoàn toàn hợp lý nếu nhìn dưới góc độ cung cầu trong kinh tế học cũng như từ góc độ tâm lý.
Ví dụ, tại Singapore, nơi giá ô tô cao ngất ngưởng vì thuế và phí, người dân không chỉ nhìn vào bản thân cái ô tô mà họ còn nhìn vào biển số xe. Với những người thuộc giới siêu giàu thì những chiếc “siêu xe” giá lên đến hàng triệu đô la Mỹ không thể mang biển số bình thường. Họ cần một biển số đẹp, độc đáo để thể hiện đẳng cấp của họ. Còn với những người khác, có thể họ cần một biển số với các con số “may mắn” để thay đổi vận mệnh.
Trong bối cảnh cung nhỏ hơn cầu, hiển nhiên việc Chính phủ nên làm, hoặc phải làm, là bán biển số xe cho những người có khả năng mua với giá cao nhất, chứ không phải là cấp, hoặc phân phối biển số xe, dù là theo kiểu lựa chọn ngẫu nhiên công khai, và càng không phải là kiểu lựa chọn ngẫu nhiên mang tiếng là công khai nhưng được tiến hành sau cánh cửa đóng im ỉm tại cơ quan có thẩm quyền. Cách thức tốt và duy nhất để bán được với giá cao nhất là đấu giá công khai.
Số tiền thu về qua bán đấu giá biển số sẽ là một khoản thu đáng kể bổ sung vào ngân sách nhà nước trung ương và địa phương. Càng trì hoãn việc đấu giá biển số xe thì ngân sách càng bị thiệt hại, đồng nghĩa với việc tiền sẽ tiếp tục chảy vào những cái túi riêng của những người có quyền và trục lợi. Lưu ý là số thu này cần phải được coi là tiền ngân sách và được sử dụng cho các mục tiêu chi từ ngân sách, chứ không phải là khoản tiền “bắt được” nên có thể phung phí cho những mục đích khoác áo “từ thiện” nhưng khó bề quản lý, theo dõi vì không phải trải qua quy trình xét duyệt chặt chẽ, dễ gây phung phí, thất thoát và tham nhũng.
Trở ngại
Có thể nói rằng về mặt kỹ thuật thực hiện, việc đấu giá biển số xe hầu như sẽ không vướng phải khó khăn gì để phải làm thí điểm ở một địa phương, theo một lộ trình nào đó, vì chuyện này đã rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nên Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo cách làm của họ để áp dụng đồng bộ ở Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Hơn nữa, một số tỉnh thành như Hải Phòng, Bình Thuận và Nghệ An đã từng tiến hành đấu giá thành công biển số xe nên chuyện đấu giá này cũng không còn lạ lẫm gì ở Việt Nam nữa.
Trở ngại còn lại cho việc thực hiện đấu giá biển số xe ở Việt Nam, nếu có, chỉ là sự thiếu vắng cơ sở pháp lý để thực hiện. Hiện tại, biển số xe không thuộc danh mục tài sản đấu giá như trong quy định của Luật Đấu giá tài sản. Đồng thời, nếu thực hiện đấu giá (tức là mua bán) biển số xe thì biển số xe sẽ trở thành tài sản cá nhân nên chủ sở hữu có thể cho, tặng, bán cho người khác. Nhưng hiện nay việc mua, bán biển số xe bị cấm theo Luật Giao thông đường bộ.
Những vướng mắc trên thực ra có thể gỡ bằng việc bổ sung, điều chỉnh luật và cũng sẽ không tốn thời gian và công sức cho việc này nếu mọi bên liên quan đều “thông”. Về vấn đề này, cũng nên tham khảo cách làm của các nước.
Ví dụ, ở Singapore, chủ sở hữu xe được quyền giữ biển số xe này chừng nào người này trả đủ phí và hoàn thành các giấy tờ cần thiết, và biển này được đăng ký cho một chiếc xe cụ thể nào đó. Trong trường hợp của biển số cổ “S 32 H” nói trên, biển số này hiện đang được gắn cho một chiếc xe hiệu Mercedes C180. Luật Singapore cũng quy định biển số xe mua được qua đấu giá không được chuyển nhượng cho người khác. Nhưng việc chuyển nhượng này có thể thực hiện một cách gián tiếp, trước tiên bằng cách chuyển đăng ký biển số này cho một chiếc xe cũ, hỏng, rẻ tiền nào đó. Sau đó, người chủ của biển số xe này (và chiếc xe cũ gắn biển này) sẽ thực hiện chuyển nhượng (bán) chiếc xe cũ này với biển số gắn trên nó cho người chủ mới, với một số chi phí trả cho Chính phủ gắn kèm với quá trình chuyển nhượng này.
Như vậy, nếu áp dụng cách làm như của Singapore hiện nay thì hoàn toàn có xử lý thỏa đáng được những câu hỏi về pháp lý hiện đang được thảo luận ở Việt Nam, ví dụ như liệu biển số xe có phải là tài sản không, có được cho, tặng, bán không, và làm thế nào để chuyển nhượng được.