|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cần hơn 400 tỷ đồng để nâng cấp luồng hàng hải Quy Nhơn

15:47 | 18/04/2021
Chia sẻ
Theo Bộ GTVT, ước tính sơ bộ, việc nạo vét, nâng cấp luồng hàng hải Quy Nhơn cần hơn 400 tỷ đồng.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định đưa tin, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể mới đây đã chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bình Định liên quan việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Về đề xuất của tỉnh Bình Định nâng cấp luồng hàng hải Quy Nhơn từ cao độ -11 m xuống -13 m, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định phối hợp làm việc với doanh nghiệp khai thác cảng về hiện trạng đầu tư dự án, lộ trình xây dựng cầu cảng, gia tăng công suất, từ đó đề xuất nhu cầu nâng cấp luồng. Ước tính sơ bộ, việc nạo vét, nâng cấp luồng cần khoảng hơn 400 tỷ đồng. 

Về nguồn kinh phí này, Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị tỉnh Bình Định xem xét theo ba hướng: Phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ GTVT nghiên cứu, cân đối một số nguồn vốn các dự án lớn đầu tư cho giao thông trên địa bàn tỉnh ưu tiên cho công tác nạo vét.

Thứ hai là báo cáo Thủ tướng xem xét, cho đầu tư nâng cấp luồng bằng nguồn ngân sách của tỉnh. Và cuối cùng là xã hội hóa thông qua hình thức nạo vét tận thu sản phẩm để huy động một phần vốn tư nhân, một phần ngân sách địa phương và một phần ngân sách từ Trung ương để đẩy nhanh tiến độ huy động kinh phí.

Cần hơn 400 tỷ đồng để nâng cấp luồng hàng hải Quy Nhơn - Ảnh 1.

Cảng Quy Nhơn. (Ảnh: quynhonport).

Đối với hạ tầng kết nối cảng biển, UBND tỉnh Bình Định đề xuất đưa vào kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 thực hiện đầu tư nâng cấp hạ tầng mở rộng cảng Quy Nhơn theo các quy hoạch liên quan đã được phê duyệt. Sớm triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến luồng hàng hải Quy Nhơn đáp ứng cho tàu 50.000 DWT đầy tải.

Tỉnh Bình Định cũng bố trí gần 86 ha dọc tuyến QL19 xây dựng cảng cạn để phục vụ cảng biển Quy Nhơn, để tạo điều kiện cho địa phương tổ chức đầu tư xây dựng và kêu gọi nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Bình Định đề nghị Bộ GTVT trình Chính phủ, cập nhật, điều chỉnh bổ sung diện tích quy hoạch cảng cạn vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Về đề xuất trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thống nhất cao và yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam sớm bổ sung thông tin, đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển cảng cạn sắp tới nhằm tạo khu hậu cần cảng, san sẻ áp lực giải phóng hàng hóa qua cảng Quy Nhơn.

Tại tỉnh Bình Định, tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn chiều dài hơn 10 km, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, 3 tháng nay, tuyến này không có tàu chạy.

Trong khi đó, tuyến đường sắt này đang chia đôi TP Quy Nhơn. Phương tiện muốn đi từ Tây sang phía Đông bắt buộc phải đi vòng. Trước bất cập đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề nghị Bộ GTVT xem xét, chuyển đoạn tuyến này thành đường sắt đô thị hoặc một phương án khả thi khác để địa phương có thể xây dựng các phương án đấu nối hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Về đề nghị trên, Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương phối hợp với tỉnh Bình Định nghiên cứu có nên duy trì hoạt động đường sắt trong thời gian tới. Nếu việc vận hành đoạn tuyến này vẫn tiếp tục, cần đề xuất các cấp có thẩm quyền cho mở giao thông đồng mức để việc kết nối phía Đông - phía Tây của địa phương không bị cản trở.

"Trường hợp tần suất chạy ít, khả năng khai thác kém cần nghiên cứu phương án đóng chuyến tạm thời, giữ nguyên trạng từ hạ tầng ga đến tuyến đường sắt giao chính quyền địa phương giữ để vận hành vào một thời điểm hợp lý hơn", Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Đối với đề xuất nâng cấp QL19B và QL19C, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, tỉnh Bình Định cần báo cáo Thủ tướng theo hướng cho chủ trương Bộ GTVT sẽ đầu tư nâng cấp trên tuyến QL19. Riêng phần mở rộng mặt đường (từ 5,5 m lên 7,5 m), địa phương có thể kiến nghị đầu tư và giao tài sản về Trung ương cho Bộ GTVT quản lý, đáp ứng quy định của pháp luật hiện hành.

Liên quan đến các tuyến tránh QL1 qua địa bàn Bình Định, Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu đề án tổng thể các tuyến tránh trên hệ thống quốc lộ Bắc - Nam. Từ đó, lấy cơ sở xây dựng kế hoạch nâng cấp sau thời gian cao điểm tập trung vốn cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Về một số vị trí mất an toàn giao thông cần đầu tư cấp bách như đoạn từ nút giao cầu Gành đến QL1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao phối hợp với địa phương khảo sát, xây dựng phương án xử lý điểm đen, sớm khắc phục bất cập cho người dân lưu thông an toàn.

Chu Lai