‘Căn cứ phụ’ của Apple - nơi dìm chết những ước mơ non trẻ
Đại bản doanh mới của Apple tại Cupertino, California là một biểu tượng ngay từ khi nó được đưa vào sử dụng năm 2017 nhờ thiết kế khác biệt và quy mô rộng lớn.
Tuy nhiên đối với nhiều người làm công việc thời vụ cho Apple, biểu tượng của họ là một tòa nhà nhỏ bé hơn nhiều, cách đó 10 km ở khu Hammerwood.
Bên trong tòa nhà tại Hammerwood là những người “sửa sai” cho Apple Maps. Họ liên tục kiểm tra các chi tiết của phần mềm này để đảm bảo những con đường, lối rẽ trong Apple Maps giống với thực tế và những chi tiết sai lệch cần được sửa ngay.
Cùng làm việc trong tòa nhà còn có những đơn vị đảm bảo kỹ thuật cho iTunes, hỗ trợ khách hàng và lựa chọn tin bài cho Apple News. Tất cả đều đang ôm một giấc mơ, dù biết hiếm khi có thực.
Tòa nhà tại Hammerwood, nơi nhiều người đóng góp cho bộ phận bản đồ của Apple. Ảnh: Bloomberg.
Dù đang đóng góp cho Apple, thậm chí đeo cả bảng tên với logo của Apple, những người này thực tế làm việc cho Apex Systems, một nhà thầu chuyên cung cấp lao động cho Apple. Rất nhiều nhân viên của Apex lựa chọn vào công ty này bởi họ “được làm việc cho Apple”, nhưng cuối cùng phải nghỉ việc chỉ sau 1 năm.
Họ vỡ mộng, không chịu được sức ép và sự phân biệt đối xử.
Những công việc 'bếp núc' tại Thung lũng Silicon
Những công ty tại thung lũng Silicon là ví dụ điển hình về khả năng tạo ra quá nhiều công nghệ và tiền bạc với số lượng người lao động rất ít. Điều đó một phần đến từ bản chất của phần mềm: nó không tốn “vật liệu” để sản xuất ra như các sản phẩm phần cứng, nên bạn có thể tiết kiệm được một phần chi phí.
Bên cạnh đó, công nghệ cũng là một trong những ngành sử dụng lao động thời vụ nhiều nhất. Những công ty tại thung lũng Silicon đã bắt đầu ký hợp đồng với đối tác để sử dụng những lao động làm công việc đơn giản, ngắn hạn từ những năm 1990. Năm 1993, tạp chí nội bộ của Apple gọi quá trình này là “sự tiến hóa đoán trước được” và “tương lai”, theo Bloomberg.
Apple có khoảng 130.000 nhân viên chính thức, nhưng bên cạnh đó họ còn có hàng chục ngàn người lao động khác thông qua những công ty cung cấp lao động. Công việc của những người này thường là khá đơn giản nhưng lại rất quan trọng: thực hiện những thao tác kiểm tra, sửa phần mềm mà máy móc không thể làm được.
Chỉ riêng bộ phận Apple Maps đã có những người lao động làm việc tại hàng chục địa điểm: Silicon Valley, Austin, Texas, London, Ấn Độ. Những nhà thầu cung cấp lao động cho Apple Maps lên tới con số hàng ngàn. Tại Hammerwood, đôi khi có trên 250 người làm việc cùng lúc.
Nhiều người thường cho rằng thung lũng Silicon chỉ toàn những kỹ sư tài năng, với mức lương và thưởng đáng mơ ước. Tuy nhiên họ không nhận ra rằng còn rất nhiều người lao động với công việc giản đơn, lương thấp hơn mức trung bình, đang phục vụ những công ty công nghệ lớn nhất thế giới.
Không chỉ có lao công, tài xế hay đầu bếp, những công việc “không chính thức” bao gồm cả những người ngồi lắp mạch, viết phần mềm và kiểm tra sản phẩm để nhận mức lương theo giờ và không có bảo hiểm.
Đại bản doanh của Apple tại Cupertino, California. Ảnh: Bloomberg.
Sử dụng lao động không chính thức là một chiến lược quen thuộc của các công ty công nghệ. Năm 2018, Bloomberg cho biết tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google chỉ có chưa đầy một nửa số lao động là làm việc chính thức. Khi nhân viên Google đình công vì tấn công tình dục vào cuối năm 2018, phần lớn người lao động không chính thức không hề biết trước vụ việc bởi họ còn không nằm trong hệ thống email của công ty.
Điều kiện làm việc của nhân viên Apex Systems khó có thể so sánh với những nhân viên chính thức của Apple. Mức lương trung bình của họ vào khoảng 25 USD/giờ, nhưng lương trung bình của bang California là 30,61 USD/giờ.
Phần lớn người lao động ở đây chỉ trụ được từ 12-15 tháng. Cơ sở vật chất, nhất là phòng vệ sinh, thường xuyên là chủ đề bị phàn nàn. Điều kiện làm việc khắc nghiệt cũng là thứ mà nhiều người lao động kêu ca, theo Bloomberg. Những cựu nhân viên tại Apex cho biết quản lý của họ thường rất khó tính, và liên tục giám sát nhân viên.
Tiền sảnh tại tòa nhà ở Hammerwood có bàn lễ tân, nhưng chẳng ai ngồi ở đó. Những nhân viên của Apex đều đi cửa sau, thậm chí còn được quản lý khuyến khích hãy đi thật xa khỏi tòa nhà trước khi bắt xe. Biệt danh của nơi này là “căn cứ bí mật”, bởi gần như những người ngoài cuộc không thể hình dung đây là nơi nhiều người lao động đang đóng góp cho Apple.
Vật lộn vì giấc mơ làm việc cho Apple
Không thể phủ nhận một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến nhiều người lao động lựa chọn Apex Systems là ở đối tác của họ. Apex thường tìm kiếm người làm việc qua LinkedIn. Họ sử dụng công cụ và tìm những người có kỹ năng trong việc làm bản đồ như từng học về địa lý hay các hệ thống số hóa địa lý, sau đó liên tục gửi tin nhắn cho những người này.
Ban đầu, Apex không trực tiếp nhắc tới Apple khi tuyển dụng. Dù vậy, một khi cái tên Apple được nhắc đến, người được phỏng vấn thường sẽ rất ấn tượng.
“Khi họ nói công việc sẽ là làm cho Apple, tôi nghĩ thầm, lạy Chúa! Cái tên Apple sẽ có trong hồ sơ công việc của tôi ư? Tuyệt vời”, một người từng làm việc tại Apex kể lại.
Góc khác tại văn phòng ở Sunnyvale, California. Ảnh: Bloomberg.
Giống như nhân viên nói trên, nhiều người lao động lựa chọn làm việc tại Apex để có được cái tên của Apple trong hồ sơ công việc của họ. Theo Bloomberg, chính những quản lý của Apple cũng úp mở khi phỏng vấn về điều này. Tuy nhiên tới năm 2018, Apex cho biết họ không còn được để tên Apple vào hồ sơ nữa, mà chỉ có thể ghi là “một công ty công nghệ lớn, thông qua Apex Systems”.
“Khi họ nói công việc sẽ là làm cho Apple, tôi nghĩ thầm, lạy Chúa! Cái tên Apple sẽ có trong hồ sơ công việc của tôi ư? Tuyệt vời”! Một cựu nhân viên của Apex kể lại. |
Một ước mơ khác của những người làm việc tại Apex là được trở thành nhân viên chính thức của Apple. Theo phỏng vấn, nhiều người thừa nhận cách Apex mô tả công việc khiến cho họ hy vọng, nhưng thực tế là Apple rất ít khi tuyển một lao động thời vụ vào làm chính thức. Trong vài tháng trở lại đây, con số được tuyển chính thức còn thấp hơn, theo nguồn tin từ một người nắm rõ hoạt động của Apple.
Việc Apex úp mở về thông tin của Apple khi tuyển dụng càng khiến cho những người lao động háo hức hơn. Nhiều người cho rằng sự bí mật đồng nghĩa với nhân viên được làm ở những dự án quan trọng, như dự án xe tự lái. Tin đồn lan truyền trong cộng đồng nhân viên tại Hammerwood về những nhân viên chính thức của Apple từng làm việc cho Apex.
“Giờ đây cô đã làm việc tại Apple rồi. Cô đã làm được điều đó! Nhưng mà cô không được dùng phòng gym của nhân viên”. Amber Lutsko, một cựu nhân viên Apex kể lại những lời chào mừng cô với công việc mới. |
Sự cách biệt giữa một nhân viên chính thức và nhân viên của nhà thầu là rất rõ ràng. Nhân viên chính thức có bảng tên với logo quả táo có màu, còn người của nhà thầu thì mang quả táo màu xám. Họ thậm chí không được sử dụng phòng vệ sinh dành cho nhân viên chính thức, theo lời kể của một cựu nhân viên Apex.
Amber Lutsko, một người từng làm việc cho Apex tới năm 2018 kể lại những lời chào mừng khi nhận việc khiến cô vừa tự hào, vừa khó chịu.
“Giờ đây cô đã làm việc tại Apple rồi. Cô đã làm được điều đó! Nhưng mà cô không được dùng phòng gym của nhân viên”, Lutsko kể lại.
Những hy vọng đánh mất
Phần lớn những người làm việc tại đây đều trẻ, mới chuyển đến và thu nhập không đủ sống. Do vậy, họ cũng thường xuyên nhảy việc sau khi hết hợp đồng làm việc cho Apple. Những điểm đến mới có thể là nhà thầu của Facebook, Google và Uber.
Nhiều người mang theo ước mơ, nhiệt huyết đến làm việc ở Apple, nhưng chính công việc này đã giết chết nhiệt huyết của họ. Ảnh: Bloomberg.
“Những kỹ năng tôi học được từ Apple chẳng giúp gì cho công việc mới”, Nick Wilson, người từng làm việc cho Apple thông qua Apex, sau đó là Facebook và Google chia sẻ. Anh cho biết những công việc này thực sự triệt tiêu sự sáng tạo, bởi chính những nhà quản lý cũng không khuyến khích nhân viên vượt trội.
“Làm sao mà anh có thể lên kế hoạch cho cuộc đời nếu như công việc của anh chỉ là ngắn hạn”.
Một cựu nhân viên Apex, năm nay 32 tuổi, cho biết. |
“Khi nói làm việc tại Apple thì nghe rất hoành tráng, nhưng thực tế là bạn không có thu nhập tốt, cũng không được đối xử tốt, nên công việc rất nhanh chóng trở thành nhàm chán”, cựu nhân viên này kể lại.