Cần 5 tỷ USD đầu tư xây dựng đường sắt nối TPHCM và Cần Thơ
Đường sắt 'tỉ đô' TP HCM - Cần Thơ | |
Thống nhất phương án đầu tư tuyến đường sắt TP HCM-Cần Thơ để trình Bộ GTVT phê duyệt |
Trong thời gian qua trên tuyến QL 1 nối TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Tây hệ thống cầu, đường giao thông nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng ùn tắt giao thông và tai nạn giao thông trên tuyến đường này trong các dịp lễ tết thường xuyên xảy ra.
Bản đồ tuyến đường sắt tốc độ cao TP HCM - Cần Thơ. (Đồ họa: Hồng Sơn/Người lao động) |
Mới đây Sở Giao thông Vận tải TPHCM chủ trì, phối hợp Sở GTVT các tỉnh ĐBSCL và Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải phía Nam bàn phương án thống nhất về quy hoạch tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ, làm cơ sở trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch.
Khi dự án được triển khai sẽ kết nối hai trung tâm kinh tế lớn ở Nam Bộ. Đây sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của toàn vùng phát triển.
TP HCM là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuộc miền Đông Nam bộ, còn TP Cần Thơ là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, cửa ngõ của vùng Tây Nam bộ.
Theo dự báo của đoàn nghiên cứu JICA (Nhật Bản), đến năm 2030, khối lượng vận tải hành khách trên hành lang đường bộ tuyến TP HCM - Cần Thơ sẽ tăng 4,8 lần so với năm 2008, khối lượng vận tải hàng hóa cũng sẽ tăng 3 lần so với năm 2008. Tuy nhiên, hiện tuyến quốc lộ này luôn trong tình trạng quá tải, tai nạn giao thông tăng cao.
Việc đầu tư xây dựng đường sắt nối hai trung tâm kinh tế lớn phục vụ phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng là hết sức cần thiết.
Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ đã được Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam nghiên cứu. Dự án có chiều dài khoảng 134 km, khổ đường 1.435 mm, tốc độ thiết kế trên 200 km/giờ cho tàu khách và 150 km/giờ cho tàu hàng.
Điểm đầu của dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ xuất phát tại ga Tân Kiên, Bình Chánh, TP HCM đi qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và điểm cuối tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Dọc tuyến sẽ có 10 nhà ga, xung quanh các ga sẽ là các thành phố vệ tinh dự kiến sẽ đầu tư phát triển công nghiệp sạch và nông nghiệp kỹ thuật cao, góp phần phát triển kinh tế cho các vùng có đường sắt đi qua.
Dự án có tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD, tương đương 112.000 tỷ đồng, mỗi km có suất đầu tư 27 triệu USD, giá trị đầu tư xây dựng 2 cây cầu khoảng 700 triệu USD. Dự kiến dự án vận hành thử hệ thống và đưa vào sử dụng cuối năm 2024.
Sau khi nghe thông tin, Bộ Giao thông vận tải có chủ trương mở tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, người dân và doanh nghiệp các tỉnh ĐBSCL rất phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Phương, nhà vườn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho rằng, xây dựng tuyến đường sắt này rất cần thiết, vì nó phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Nhiều doanh nghiệp trong vùng so sánh, đường sắt cao tốc đi nhanh hơn, vận chuyển được nhiều hơn, ít gây hại môi trường, đặc biệt an toàn hơn nhiều so với phương tiện ô tô, mô tô đường bộ. Đặc biệt, người dân không còn tình trạng phụ thuộc tình trạng tăng giá tiền khi Tết đến, lại an toàn hơn xe đò, ít ô nhiễm môi trường…
Chia sẻ về vấn đề này ông Lương Văn Cư, Thành viên Hiệp Hội vận tải tỉnh Tiền Giang cho rằng, Nhà nước tổ chức tuyến xe lửa đi từ TP HCM - Miền Tây là thuận tiện cho nhân dân. Đây là tuyến xe lửa đầu tiên của vùng ĐBSCL, đi lại dễ dàng.
"Đó là sự hãnh diện của ngành giao thông, đa dạng loại hình. Xe lửa được qua cầu Mỹ Thuận - cầu Cần Thơ đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Đề nghị Nhà nước triển khai sớm cho nhân dân đi lại dễ dàng, trái cây và các loại hàng hóa khác được chuyển thẳng về TP HCM giảm chi phí", ông Cự nêu ý kiến.
Lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL đánh giá rất cao về triển vọng của dự án đường sắt TP-HCM – Cần Thơ mang lại. Ông Trần Hoàng Tựu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, tai nạn giao thông hàng năm trên tuyến QL 1 rất cao. Các tuyến đường giao thông trên quốc lộ 1 đi qua khu nhiều khu công nghiệp, khu dân cư, chợ ven đường giao thông đông đúc, nhiều cầu trên tuyến quốc lộ hẹp, xuống cấp; trong khi đó mật độ giao thông ngày càng tăng cao, thường xuyên xảy ra tình trạng bị kẹt xe…Trước thực trạng này nên các nhà đầu tư còn e ngại, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư tại các tỉnh ĐBSCL.
Ông Tựu cũng cho hay, là tỉnh có tuyến đường sắt đi qua địa bàn, tỉnh Vĩnh Long đã chuẩn bị giải pháp để bàn giao mặt bằng thi công và chuẩn bị nguồn vật tư phục vụ cho việc san lắp mặt bằng xây dựng trong thời điểm giá cát đang khan hiếm hiện nay.
Nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản, hàng hóa lớn nhất cả nước, thế nhưng hạ tầng giao thông đường bộ chưa được đầu tư đúng mức đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Để đẩy mạnh kinh tế, vấn đề lưu thông hàng hóa phải được đặt lên hàng đầu.
Do vậy, việc ra đời loại hình đường sắt đối với vận tải sẽ tạo nên lợi ích đáng kể về kinh tế và xã hội, đặc biệt là tiết kiệm chi phí thời gian và chi phí vận hành khi chuyển từ các phương tiện cá nhân đường bộ và đường sắt cho cả hành khách và hàng hóa.
Một vấn đề đặt ra là nguồn vốn đầu tư cho dự án khoảng 5 tỉ USD là con số không nhỏ. Đây là bài toán cần có lời giải trong việc triển khai dự án hiện nay.