|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Phải chủ động từ doanh nghiệp!

06:43 | 03/04/2017
Chia sẻ
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW (CIEM), ông Phan Đức Hiếu, các Nghị quyết của chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) đã quá cụ thể, chi tiết, vấn đề bây giờ là thực thi, và chỉ có DN, hiệp hội DN mới có thể buộc các cơ quan nhà nước “không muốn làm cũng phải làm”.
cai thien moi truong dau tu kinh doanh phai chu dong tu doanh nghiep

Đại diện CIEM cũng cho rằng đã đến lúc cộng đồng DN Việt Nam phải có Sách Trắng để tập hợp các kiến nghị gây sức ép đối với cơ quan nhà nước…

Thách thức lớn nhất: Thực thi!

“Thông thường, bất kỳ cuộc cải cách nào đó cũng có 2 câu hỏi cơ bản: Làm gì, làm như thế nào? Khi xác định được phương hướng thì tổ chức thực thi, thực hiện ra sao? Chúng ta không nên bàn nhiều về câu hỏi làm gì, làm như thế nào vì Nghị quyết 19 đã trả lời đầy đủ câu hỏi này. Nghị quyết 19 lần này đã xác định 250 giải pháp, có nghĩa là chúng ta có 250 công việc cụ thể để làm nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Không chỉ tính đến biện pháp ngắn hạn là cải thiện trực tiếp chất lượng, Nghị quyết 19 lần này còn tính đến giải pháp dài hạn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Như vậy, về mặt chủ trương, làm gì, chúng ta đã đi đúng hướng và được xác định. Vấn đề chính nằm ở chỗ chúng ta tổ chức thực thi giải pháp, biện pháp đặt ra thế nào?”- Phó trưởng ban CIEM Phan Đức Hiếu đặt vấn đề tại buổi Tọa đàm “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh – Hiệu quả và giải pháp” do Báo Diền đàn DN tổ chức mới đây.

Theo ông Hiếu, qua theo dõi 3 năm thực hiện Nghị quyết 19 và 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, thách thức lớn nhất của chúng ta là làm thế nào để thực hiện đúng và đủ. “Hiện, tôi vẫn chưa nhìn thấy việc thực hiện có chuyển biến. Cho đến năm 2017, chúng ta mới đạt được chuyển biến về nhận thức. Còn lại, kết quả đạt được còn hạn chế, còn khoảng cách rất lớn so với kỳ vọng của DN và cộng đồng xã hội…”- Ông Hiếu nhận định.

Cụ thê hơn, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong đã “chấm điểm” chính sách và thực thi. Với thang điểm 10, vị chuyên gia này chấm chính sách được 7 điểm nhưng về thực thi chỉ được 5 điểm.

Theo ông, mặc dù người đứng đầu Chính phủ và hệ thống quản lý Nhà nước đã tỏ ra quyết tâm chính trị cao trong việc cải thiện MTKD, những ghi nhận về pháp lý được rõ hơn, nhưng đội ngũ cán bộ thừa hành vẫn như vậy cả về chất lượng, lợi ích nhóm vẫn còn, chưa có nhiều thay đổi trong cải cách tiền lương… , thậm chí các Nghị quyết Chính phủ mới được chép lại vào các chương trình hành động ở địa phương, chứ chưa được cụ thể hoá thành các dự án, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp cụ thể để thực hiện.

Cùng với đó, các chỉ số bôi trơn và tham nhũng còn rất nặng, với trên 80% DN buộc phải bôi trơn và Việt Nam hiện đứng thứ 2 về tham nhũng nhất Châu Á chỉ sau Ấn Độ theo xếp hạng của Tổ chức minh bạch thế giới.

“Theo quan sát của tôi, trong thời gian sắp tới chúng ta sẽ gặp thách thức lớn, bởi để đạt được mục tiêu thì chúng ta phải nỗ lực rất nhiều. Nếu cứ duy trì cải cách đều đều thì chúng ta không thể có bước tiến, thậm chí còn có bước đi lùi!"- Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu khẳng định.

Chế tài phải mạnh!

Không chê vào đâu 4 Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, tuy nhiên không ít ý kiến tỏ ra băg khoăn vì trong các nghị quyết này không đề cập đến chế tài.

“DN giờ phải cạnh tranh nhiều. Bản thân tự DN không muốn lobby thì giờ cũng phải làm. Lỗi do DN tự nguyện, nhưng nếu không tự nguyện thì mọi thứ không suôn sẻ được. Để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thì cần phải có một Nghị quyết yêu cầu tự khắc khi cấp trên hô hào thì cấp dưới phải chạy. Tóm tại tôi muốn nhấn mạnh, chế tài trong văn bản ban hành ra cần phải tăng thêm thì mới có tác dụng…”- Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp Hội DN tỉnh Thái Nguyên đề nghị.

Để tăng hiệu quả cuả việc thực thi Nghị quyết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Chính phủ cần họp định kỳ và những nội dung của nghị quyết phải được đưa ra để nghe, báo cáo và kịp thời giải quyết cho DN. Bên cạnh đó, xác lập tốt hơn vai trò của người đứng đầu (Thủ tướng, Quốc hội, Bộ trưởng…) để có răn đe thực sự mạnh mẽ tạo ra sức ép mạnh cho người thừa hành; đồng thời sẽ lan toả tới từng nhân viên thấp nhất, bởi chỉ khi nào sự lan toả này tới được người cuối cùng thì mới giải quyết được vấn đề.

Thep Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu, một trong những nội dung của Nghị quyết 19 là rà soát để bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các điều kiên kinh doanh, bên cạnh các địa phương tích cực cũng vẫn còn nhiều địa phương chưa tích cực. “Khi các bên liên quan không tích cực, phải làm thế nào để bắt họ vào cuộc?”- Phó Viện trưởng CIEM băn khoăn.

Với các địa phương tích cực, theo ông Hiếu, chỉ tích cực thôi chưa đủ mà còn phải có phương thức thực hiện hợp lý. “Hiện nay, những địa phương tích cực đang xử lý vấn đề một cách rất cơ học. Cụ thể, với mục tiêu như vậy, họ ép cơ học đối với các cơ sở, phòng ban hoàn thành bằng cách nhanh nhất…. Như vậy rất áp lực và tốn kém nhân sự. Tôi cho rằng về lâu dài, nhà nước phải rút dần và trao lại quyền cho xã hội, đặc biệt là các hiệp hội DN…”- Ông Hiếu đề nghị.

Doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp phải tạo sức ép

Theo Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu, hiện nhiều địa phương tổ chức đối thoại giữa chính quyền và DN, nhưng đối thoại vẫn mang tính hình thức, chưa hiệu quả, nhiều kiến nghị không được xử lý. Ông Hiếu đề nghị nên giao cho một cơ quan độc lập tổ chức buổi đối thoại. Cơ quan này có trách nhiệm nghiên cứu, tập hợp kiến nghị của DN và cập nhật các giải pháp của chính quyền. Mọi DN có kiến nghị đều được giải quyết như nhau.

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong đề xuất xây dựng hệ thống thông tin để tiện cho việc tiếp cận và chia sẻ thông tin, khiếu nại đơn, kêu cứu của DN và được truyền tải trực tiếp thì những điểm cần phải gỡ sẽ nhận diện rất nhanh

Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Nam Toàn cầu, ông Hoàng Trần Hiếu hiến kế: Cần phải chuyển từ việc Nhà nước chủ động đối thoại với DN thành việc đề xuất gặp gỡ của tổ chức nghề nghiệp, DN với cơ quan Nhà nước, có thể là đối thoại trong phạm vi nhỏ, giúp DN và các hiệp hội DN dễ dàng chia sẻ và đề xuất với cơ quan chức năng. “Đặc biệt, để Nghị quyết 35 đi vào đời sống phải chú trọng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu từ phía các Hiệp hội và cơ quan Nhà nước, phải có cơ chế giám sát và kiểm điểm với người đứng đầu các đơn vị này…”- DN này đề nghị

Trăn trở với cấu hỏi: Làm thế nào để cơ quan nhà nước không muốn làm nhưng họ buộc phải làm, ông Phan Đức Hiếu cho rằng điều này phải ở chính các DN và hiệp hội DN.

“Theo tôi, một DN cá thể không thể làm được, mà có làm cũng không hiệu quả, vì vậy, vai trò của hiệp hội rất quan trọng . Hiệp hội cần có chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 nhưng chương trình của hiệp hội phải ngược lại với các chương trình của cơ quan liên quan, đó là làm sao để giám sát, phản biện, đưa thông tin kịp thời tới cơ quan nhà nước, buộc cơ quan nhà nước phải đối thoại và đưa ra những giải pháp cho DN…”- Ông Hiếu đề nghị.

Phó Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, bản thân VCCI cũng phải thay đổi, kiến nghị của DN phải được tính toán dài hạn, xuyên suốt và có hệ thống. “Hiện cộng đồng DN nước ngoài hay làm đó là Sách Trắng. Sách Trắng sẽ đo lường các kiến nghị đang được cân nhắc, chưa được giải quyết. DN Việt Nam cũng nên học hỏi điều này, để làm sao các kiến nghị của DN cần phải có sự tập hợp theo nhóm vấn đề, có tính chất xây dựng, hệ thống…, có như vậy, DN mới gây được sức ép cho cơ quan nhà nước…”- Ông Hiếu đề xuất.

Theo Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, tất cả các ý tiến mong muốn sự cải cách một cách thực chất chứ không “trình diễn”, không chỉ dừng ở phòng họp mà còn lan tỏa đến từng sự ứng xử của cán bộ công chức; Thành quả cải cách nên đo đếm được bằng thực chất và thực tiễn, bằng những công cụ đo đếm khoa học. “Việc này không chỉ là vai trò của nhà nước mà còn là sự chung tay của các hiệp hội DN. Mong rằng việc này sẽ trở thành nhu cầu tự thân của DN…”- Ông Tuấn nhấn mạnh.

Báo cáo Chỉ số thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng thế giới được công bố vào cuối năm 2016 cho biết: MTKD của Việt Nam được ghi nhận có sự cải thiện mạnh mẽ nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Theo đó, thứ hạng của Việt Nam hiện đã tăng 9 bậc, từ vị trí 91/189 quốc gia lên vị trí thứ 82 của bảng xếp hạng. Những cải thiện về MTKD của Việt Nam trong những năm qua đã cho thấy thông điệp mạnh mẽ cùng định hướng rõ ràng, đồng bộ từ Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và DN.

Đầu tiên phải kể đến việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về việc hỗ trợ và phát triển DN, phấn đấu đến năm 2020, xây dựng đội ngũ DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Tiếp đó là Nghị quyết 19 về các giải pháp cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu đến năm 2017 Việt Nam đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, hàng nghìn thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giấy phép con bất hợp lý đã được bãi bỏ… tạo niềm tin cho DN. Năm 2016, lần đầu tiên, số DN thành lập mới tại Việt Nam đạt con số kỷ lục với hơn 110.000 DN. Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển DN của Chính phủ đã đi đúng hướng, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có trên 1 triệu DN, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Mặc dù đã có sự chuyển biến đáng kể, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, tuy nhiên ở một số cơ quan, cơ sở và địa phương, tình hình chuyển biến còn khá chậm, hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhiều DN vẫn còn bị cản trở, gây khó khăn, thậm chí là bị sách nhiễu.

Theo VCCI, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho DN, Thủ tướng Chính phủ sẽ có cuộc đối thoại với DN, dự kiến vào đầu tháng 4 này…

Thanh Thanh