|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cách tránh 'bẫy' lãi suất cao

14:09 | 15/09/2016
Chia sẻ
Các ngân hàng tung ra nhiều chương trình lãi suất ưu đãi trong thời gian ngắn, sau đó áp dụng lãi suất thả nổi với mức cao khiến không ít khách hàng cảm thấy bị "sốc".

Để phần nào hạn chế tình trạng này, người vay có thể lưu ý một số vấn đề sau:

Tìm hiểu kỹ thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi

Hiện nay, để thu hút khách hàng vay, nhiều ngân hàng chào lãi suất ưu đãi hấp dẫn từ 6,5 đến 8,5% một năm nhưng chỉ áp dụng trong 6-18 tháng đầu tiên. Sau đó, mức lãi suất sẽ được điều chỉnh tăng thêm vài phần trăm tùy từng ngân hàng.

Vì vậy, trước khi ký hợp đồng, người vay cần trao đổi kỹ với nhân viên tín dụng xem thời gian ưu đãi là bao lâu để chủ động lựa chọn gói vay phù hợp, có kế hoạch trả nợ hợp lý và không bị bất ngờ khi lãi suất vọt lên mức cao sau thời gian ưu đãi. Tốt nhất, nên chọn những gói vay có lãi suất duy trì ổn định trong thời gian dài.

Trường hợp của chị Mai, quận 6, TP HCM, do cần tiền gấp để sửa nhà, nên khi nghe mức lãi suất 8% một năm có vẻ hợp lý, chị ký ngay vào hợp đồng vay 200 triệu đồng mà không để ý là chỉ áp dụng trong 6 tháng đầu tiên. Do đó, khi trả nợ đến tháng thứ 7, chị thấy ngân hàng thông báo số tiền trả lãi và gốc tăng lên vài trăm nghìn đồng so với các tháng trước đó.

Lúc này, chị hơi bất ngờ vì lẽ ra khoản tiền đóng của tháng sau phải thấp hơn tháng trước (do lãi suất tính theo dư nợ giảm dần), đằng này lại cao hơn nên chị gọi điện hỏi ngân hàng mới biết lãi suất được điều chỉnh tăng lên 11,5% vì đã hết thời gian hưởng ưu đãi.

tin nhap 20160915135955

5 lưu ý khi vay tiền ngân hàng để tránh bị "sốc" với bẫy lãi suất cao.

Đàm phán biên độ lãi suất thả nổi

Sau thời gian hưởng lãi suất ưu đãi, các ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất thị trường theo cơ chế thả nổi. Mức điều chỉnh lãi suất thường được tính bằng lãi suất cơ sở (tuỳ từng ngân hàng có thể lấy lãi suất tiền gửi 12 hoặc 13 tháng) cộng với biên độ điều chỉnh. Hiện nay, biên độ này rất khác nhau tại các ngân hàng, dao động từ 3 đến 5%.

Do đó, trước khi ký hợp đồng vay, nên đàm phán kỹ với ngân hàng về biên độ điều chỉnh này nhằm tránh bị thiệt thòi khi ngân hàng áp mức lãi suất quá cao sau thời gian ưu đãi.

Anh Nam, ở TP HCM cho biết, tháng 7/2015 anh vay 500 triệu đồng của một ngân hàng cổ phần với lãi suất cố định 8,5% trong 12 tháng đầu tiên. Thời gian sau đó, lãi vay được tính bằng lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng cộng biên độ 4%.

Do đang cần vay tiền gấp nên khi ngân hàng đưa bản hợp đồng, anh Nam ký ngay chứ không có thời gian ngồi đọc trước các điều khoản. Ký xong, anh về tham khảo lãi suất ở một số ngân hàng khác mới thấy mức lãi suất ưu đãi 8,5% trong năm đầu không hề thấp và lãi suất thả nổi sau đó (lãi suất huy động 13 tháng + biên độ 4%) là khá cao vì nhiều ngân hàng chỉ áp biên độ tầm 3-3,5%.

Xem xét kỹ thời gian điều chỉnh lãi suất thả nổi

Bên cạnh việc đàm phán kỹ biên độ lãi suất thả nổi thì người vay cũng nên lưy ý đến thời gian điều chỉnh lãi suất thả nổi. Bởi hiện nay, các ngân hàng có rất nhiều cơ chế khác nhau, như điều chỉnh linh hoạt theo lãi suất thị trường, điều chỉnh sau 3 tháng, 6 tháng...

Do vậy, khi vay, khách hàng nên làm rõ thời gian mỗi lần điều chỉnh lãi suất là bao lâu để chủ động có kế hoạch trả nợ và không bị bất ngờ khi ngân hàng điều chỉnh "vô tội vạ".

Mới đây là trường hợp chị Lan ở TP HCM vay gói ưu đãi 5.000 tỷ đồng của một ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối, lãi suất 7,2% trong năm đầu tiên để mua nhà vào năm 2015. Đến cuối tháng 6/2016, chị nhận được điện thoại của nhân viên ngân hàng này thông báo đã hết hạn ưu đãi, đồng thời cho biết lãi suất sẽ được điều chỉnh lên mức 10,8% một năm từ 1/7.

Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, đến ngày 18/8, chị Lan cảm thấy "sốc" khi tiếp tục nhận được tin nhắn của ngân hàng thông báo lãi suất cho vay tăng lên mức 11,4% một năm. Khách hàng này cho biết bị bất ngờ vì không có lý do gì mà ngân hàng lại tăng lãi suất liên tục 2 lần trong 2 tháng liền. Trong khi ngân hàng giải thích do thời điểm kết thúc gói ưu đãi và thời điểm quy định thay đổi lãi suất mới của ngân hàng gần nhau nên phải điều chỉnh như vậy.

Làm rõ mức lãi suất cơ sở

Để tính lãi suất thả nổi sau khi hết thời gian ưu đãi, ngân hàng sẽ căn cứ vào lãi suất cơ sở cộng với biên độ điều chỉnh. Tuỳ ngân hàng, có thể lãi suất cơ sở là tiền gửi 12 tháng hoặc 13 tháng.

Tuy nhiên, ngay trong bảng lãi suất tiền gửi 12 hoặc 13 tháng này lại có quá nhiều mức lãi suất khác nhau, như lãi suất dành cho sản phẩm tiền gửi tiết kiệm truyền thống, tiền gửi kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng với số tiền dưới 100 tỷ đồng, từ 100 tỷ đồng trở lên.

Do đó, khi ký hợp đồng, người vay cần làm rõ mức lãi suất cơ sở này chính xác là kỳ hạn nào? Thuộc loại sản phẩm tiền gửi nào?... để tránh nhập nhằng về sau.

Thoả thuận trước vấn đề trả nợ trước hạn

Một khi ngân hàng chào lãi suất thấp, thường đi kèm mức phạt cao để bù lỗ lãi suất ưu đãi ban đầu. Do đó, khi vay, khách hàng nên lựa chọn ngân hàng cho vay có điều khoản phạt trả trước hạn thấp, hoặc không ràng buộc. Bởi phòng hờ trường hợp hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi vọt lên quá cao, hoặc là nhu cầu cấp thiết phải tất toán hợp đồng... thì vẫn có thể xin trả nợ trước hạn mà không lo phải chịu cảnh trả phí phạt nặng.

Như trường hợp chị Tuyền ở TP HCM, vì tâm lý nôn nóng đi vay và ký nhanh để hoàn tất hồ sơ nhận tiền nên đã không trao đổi kỹ về điều khoản trả nợ trước hạn sẽ bị phạt như thế nào để cập nhật cụ thể vào hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng.

Do đó, khi xin tất toán hợp đồng tín dụng trước hạn sau 5 tháng vay (hợp đồng tín dụng có thời hạn vay gần 9 năm), kết quả là chị bị nhà băng phạt đến 248 triệu đồng cho số dư nợ gốc 2,777 tỷ đồng.

Theo Hoài Thu

VnExpress