Thực hư tín dụng ưu đãi lãi suất
Eximbank vừa đưa ra thị trường gói tín dụng tiêu dùng 4.000 tỷ đồng dành cho cá nhân, với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm. Theo đó, các khách hàng cá nhân có nguồn thu nhập ổn định, có kế hoạch vay mua bất động sản, xây dựng sửa chữa nhà; vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm là bất động sản; vay bổ sung vốn kinh doanh ngắn hạn, kinh doanh trung dài hạn và vay bổ sung vốn kinh doanh trả góp… sẽ là những đối tượng mà gói tín dụng này nhắm đến.
Với từng thời hạn vay 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng, lãi suất cho vay tương ứng sẽ là 6,5%/năm, 7,5%/năm và 8,5-10%/năm. Sau khoản thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay tiêu dùng là lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng (lãi cuối kỳ) cộng (+) biên độ 3,5%/năm. Bên cạnh đó, Eximbank cũng dành 2.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân mua xe ô tô, với lãi suất chỉ từ 7,5%/năm.
Ngày 29/8 vừa qua, OCB triển khai sản phẩm ưu đãi cho vay mua ô tô dành cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất từ 6,5%/năm. Doanh nghiệp có thể vay số tiền lên đến 80% giá trị xe và thời gian vay lên đến 7 năm, với các mức lãi suất là 6,5%/năm cố định trong 3 tháng đầu; 7,5%/năm cố định trong 6 tháng đầu và 8,5%/năm cố định trong 12 tháng đầu. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất được áp dụng theo quy định hiện hành của OCB.
Trước đó, tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức tại TP. HCM, OCB cam kết sẽ dành các gói cho vay ưu đãi doanh nghiệp tại địa phương với hạn mức 1.000 tỷ đồng trong năm 2016.
Còn tại VietBank, đối với sản phẩm vay mua nhà, vay chuyển nhượng bất động sản có sẵn là mức lãi suất hết sức hấp dẫn, chỉ từ 3,6%/năm. Ngoài ra, Kienlongbank dành 400 tỷ đồng cho vay mua xe ô tô, lãi suất cạnh tranh 8,5%/năm. Mỗi khách hàng có thể vay tới 10 tỷ đồng, thời hạn vay tối đa lên đến 84 tháng…
HDBank cũng dành tổng hạn mức 6.000 tỷ đồng cho vay vốn sản xuất kinh doanh, cho vay bất động sản và mua xe ô tô đối với khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ trên cả nước. Theo đó, với số tiền vay từ 1 tỷ đồng trở lên, tùy thời hạn và mục đích vay vốn, HDBank áp dụng mức lãi suất 7%/năm trong 3 tháng đầu, hoặc 8%/năm trong 6 tháng đầu, hoặc 8,5%/năm trong 9 tháng đầu, hoặcc 10,5%/năm trong 12 tháng đầu.
Việc đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất được xem là điều kiện tốt cho khách hàng trong dịp cuối năm, khi nhu cầu vốn được dự báo tăng cao hơn. Tuy nhiên, trước bối cảnh lãi suất huy động vẫn đang được các nhà băng điều chỉnh tăng, nên theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành, lãi suất cho vay sẽ khó có thể giảm.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng cho rằng, giữ được mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay đã là nỗ lực lớn, nên khó kỳ vọng sẽ giảm thêm.
Mặc dù vậy, một số ngân hàng vẫn rầm rộ tung các gói tín dụng ưu đãi lãi vay. Đáng chú ý hơn, OCB còn bảo lãnh và cho vay mua nhà tại dự án Flora Fuji với lãi suất 0%/năm cố định trong 12 tháng đầu; 6%/năm cố định trong 24 tháng đầu và 6,5%/năm cố định trong 36 tháng. Lãi suất sau thời gian ưu đãi sẽ áp dụng bằng lãi suất suất tiết kiệm 12 tháng (trả lãi cuối kỳ) cộng (+) biên độ 3,5%/năm.
Thực tế cho thấy, lãi vay ưu đãi chỉ được các ngân hàng áp dụng trong một thời gian khá ngắn (3-6 tháng) và sau đó, biên độ lãi suất cộng thêm là không nhỏ, tính tổng mức lãi suất mà khách hàng phải trả có thể lên đến 10-12%/năm. Đối với nguồn vốn vay trung-dài hạn, lãi suất còn cao hơn. Lý do được các ngân hàng đưa ra là vì chi phí huy động lãi suất kỳ hạn dài phải trả cao hơn nhiều so với kỳ hạn ngắn.
Thế nhưng, ông Godfrey Swain, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho rằng, trên thực tế, lãi suất không còn là rào cản lớn đối với khách hàng. Với mức lãi suất ổn định dưới 10%/năm mà các ngân hàng cung cấp như hiện nay là vừa phải, khuyến khích người đi vay. Điều quan trọng khách hàng cần lưu ý là lựa chọn gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu tài chính của mình, xác định thời gian vay hợp lý, cũng như xem xét tính linh hoạt của khoản vay, hay mức lãi phạt khi trả nợ trước hạn. Vị giám đốc này hy vọng, lãi suất cho vay mua nhà trong thời gian tới sẽ vẫn được duy trì mức hợp lý như hiện nay.
Theo Vân Linh
Đầu tư chứng khoán