|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cách ly xã hội toàn TP Vĩnh Yên từ 0h ngày 7/5, người dân không ra ngoài khi không cần thiết

08:33 | 07/05/2021
Chia sẻ
UBND Thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Sáng 7/5, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành vừa ký quyết định về việc thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố Vĩnh Yên để tăng cường hiệu quả chống dịch COVID-19.

Theo đó, tổ chức thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h00' ngày 7/5/2021 đến 0h00' ngày 22/5/2021 trên phạm vi toàn thành phố Vĩnh Yên.

Việc thực hiện cách ly toàn thành phố Vĩnh Yên đảm bảo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, xã/phường cách ly với xã/phường.

Cách ly xã hội toàn TP Vĩnh Yên, người dân không ra ngoài khi không cần thiết - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đêm 6/5, bàn phương án chống dịch trong tình hình mới. (Ảnh: Baovinhphuc)

UBND Thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động.

Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Đồng thời, yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng;

Các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên bố trí cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thực sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, trực phòng chống dịch COVID-19 và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới được phép đến công sở làm việc; tăng cường tổ chức họp trực tuyến.

Đối với các đơn vị ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động của ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất - nhập khẩu hàng hóa, khám chữa bệnh được tiếp tục hoạt động.

Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Các phân xưởng, nhà máy sản xuất, cơ sở kinh doanh phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động. Các doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh có thể tạm dừng sản xuất, kinh doanh để thực hiện công tác vệ sinh phòng dịch.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận 25 ca nhiễm COVID-19. 

Cách ly xã hội toàn TP Vĩnh Yên từ 0h ngày 7/5, người dân không ra ngoài khi không cần thiết - Ảnh 2.

 

Diệp Bình

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.