|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cách đầu tư sinh lời cho người ở nhà làm nội trợ

14:20 | 14/07/2022
Chia sẻ
Đầu tư để nghỉ hưu sớm là một chủ đề nóng hiện nay, nhưng có thể khó tưởng tượng khi bạn ở nhà làm nội trợ, không có thu nhập ổn định hàng tháng. Vậy đâu mới là giải pháp hữu ích?

Tuần qua, tạp chí Business Insider đã tổ chức một sự kiện Instagram Live tập trung vào việc nghỉ hưu sớm với Soledad Fernández Paulino - một nhà giáo dục tài chính và người sáng lập blog Wealth Para Todos.

Trong sự kiện một người tham dự đã hỏi: "Tôi có thể thực hiện những bước nào để đảm bảo tương lai tài chính của mình với tư cách là một bà mẹ ở nhà nội trợ, vì tôi không mang tiền về?".

Bản thân Fernández Paulino từng ở nhà nội trợ và vì thế, chuyên gia này đã có một số lời khuyên thẳng thắn, thiết thực cho người xem.

Cách đầu tư sinh lời khi bạn ở nhà làm nội trợ

1. Tìm hiểu loại tài khoản đầu tư bạn đủ điều kiện để mở

Bạn vẫn có thể tiết kiệm để nghỉ hưu, ngay cả khi bạn không mang lại thu nhập. Tài khoản đầu tư phù hợp với bạn có thể phụ thuộc vào việc bạn đã kết hôn hay chưa. Fernández Paulino đã kết hôn khi quyết định trở thành người nội trợ ở nhà.

 Ngay cả khi ở nhà làm nội trợ, bạn vẫn có thể đầu tư. (Nguồn: Getty Image)

"Tại thời điểm đó, tôi không có tài khoản nào từ công ty, doanh nghiệp", cô nói nói. "Tuy nhiên, bởi vì tôi đã kết hôn hợp pháp, tôi vẫn có thể đầu tư vào quỹ hưu trí Roth IRA (Individual Retirement Account) theo những gì được gọi là quy định IRA vợ chồng". 

Ở Mỹ, thông thường, bạn phải kiếm được thu nhập, chẳng hạn như tiền lương hoặc tiền hoa hồng, để có thể đóng góp một cách hợp pháp cho quỹ hưu trí. Nhưng IRA vợ/chồng là ngoại lệ. Miễn là vợ/chồng của bạn có thu nhập và hồ sơ thuế, bạn có thể mở IRA vợ chồng riêng biệt và đóng góp tiền từ phiếu lương của đối tác của bạn. Khi bạn thiết lập nó, bạn sẽ chọn Roth hoặc IRA truyền thống.

Trong khi đó, ở Việt Nam thì những bậc cha mẹ ở nhà nội trợ sẽ gặp khó khăn vì không có chính sách như IRA ở Mỹ. Lúc này, điều bạn có thể làm là chi tiêu hợp lý và có thể cân nhắc tiết kiệm một khoản tiền nhất định để phục vụ cho việc đầu tư.

Dĩ nhiên, kế hoạch này sẽ cần đền sự đồng ý và ủng hộ từ người bạn đời của bạn. Lưu ý, khi bạn làm nội trợ và không có thu nhập ổn định hàng tháng, bạn nên chọn các khoản đầu tư lâu dài, an toàn – thay vì những tài sản dễ bay hơi.

2. Trao đổi với vợ/chồng và các thành viên của gia đình

Như đã đề cập, việc đầu tư bằng tiền tiết kiệm của các thành viên khác trong gia đình sẽ cần sự đồng thuận. Khi làm nội trợ, bạn không trực tiếp kiếm ra tiền nhưng lại là người chi tiêu sinh hoạt, du lịch,… của cả nhà.

Vì vậy, dù bằng cách nào mà bạn tiết kiệm được các khoản tiền để phục vụ mục đích đầu tư thì vẫn nên tôn trọng và thẳng thắn với vợ/ chồng hay thậm chí là con cái.

 Sự chia sẻ trong gia đình là cần thiết dù thực hiện bất kỳ kế hoạch tài chính nào. (Nguồn: Getty Image)

Đặc biệt, trong nhiều gia đình, ngay cả việc “đầu tư” vào các gói bảo hiểm hay đắt đỏ hơn là mua bất động sản “để dành” đều cần được các thành viên biết tới để tránh các trường hợp bất ngờ xảy ra và không có đủ thông tin cần thiết để xử lý.

3. Hãy nhớ rằng người nội trợ vẫn đóng góp tài chính cho gia đình         

Một nghiên cứu của Salary.com ghi nhận, khối lượng công việc của các bà mẹ nội trợ đã tăng từ 96,5 giờ mỗi tuần vào năm 2019 lên 117 giờ mỗi tuần kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 ở Mỹ. Điều này có nghĩa là nếu những người nội trợ được trả lương, thì mức lương trung bình của họ sẽ là 178.201 USD vào năm 2019,và 184.820 USD tính đến thời điểm hiện tại.

Các bậc cha mẹ ở nhà nội trợ ở Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng tương tự - không phải ở nhà nghĩa là bạn phải tự ti vì không tạo ra thu nhập.

Fernández Paulino nói: “Đó là chi phí nấu ăn, dọn dẹp, trông trẻ, lái xe đưa đón con cái tới trường. Bạn đang tiết kiệm cho gia đình mình rất nhiều tiền".

Thay vì cảm thấy băn khoăn về việc sử dụng tiền của vợ/ chồng để đầu tư, tốt nhất, bạn hãy suy nghĩ theo cách này: Đầu tư cho tương lai của gia đình bạn chỉ là một cách hiệu quả để bạn vừa làm nội trợ vừa đóng góp tài chính.

Thu Phương