Các trạm sạc hay hỏng - vấn đề đau đầu của các nhà sản xuất ô tô điện
Trong một văn phòng không có gì nổi bật ở San Jose, California, công ty ChargePoint Holdings đang thử nghiệm các loại trạm trạc xe điện. Chính tại đây, đơn vị sở hữu chuỗi trạm sạc xe điện lớn nhất nước Mỹ đã thử nghiệm trạm sạc ở các kiểu thời tiết khắc nghiệt như mưa, nắng, bão bụi và động đất.
Ngoài ra, hệ thống ròng rọc kéo đi kéo lại dây sạc, mô phỏng dây sạc sau nhiều năm sử dụng ngoài thực tế xem chúng có bị nứt hay không. Hàng năm, từ phòng thí nghiệm này, ChargePoint Holdings đã kiểm tra khoảng 3.300 bộ sạc.
Quy trình của ChargePoint nhằm khắc phục một trong những vấn đề cấp bách nhất của quá trình chuyển đổi xe điện: Các trạm sạc công cộng thường hay hỏng. Các bộ phận bị hỏng, màn hình cảm ứng không thao tác được, hệ thống thanh toán gặp lỗi hay dây đồng bị kẻ trộm lấy mất,…
Tại Mỹ, hệ thống trạm sạc xe điện mới chỉ đang được xây dựng với số lượng ít. Điều này có nghĩa nếu trạm sạc này không hoạt động thì chủ sở hữu xe điện không thể tìm được một trạm khác gần đó.
Tổng thống Biden muốn biến ô tô điện trở thành nền tảng trong các chính sách kinh tế và khí hậu của mình. Trong đó, 5 tỷ USD để xây dựng mạng lưới trạm sạc dọc theo các con đường lớn và 2,5 tỷ USD để xây dựng trạm sạc ở các khu dân cư. Mục tiêu là thuyết phục người tiêu dùng Mỹ mua xe điện.
Tuy nhiên, kế hoạch này có thể sẽ không thành công nếu nhiều người tin rằng các trạm sạc công cộng hay bị hỏng.
“Hiện tại, chúng ta thực sự phải giải quyết vấn đề này trước khi tiến xa hơn trong việc phổ cập xe điện. Nhận thức đang thay đổi, nhưng những người dùng phổ thông chưa sẵn sàng để bỏ qua những tồn tại này”, ông Brent Gruber, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu ô tô toàn cầu của JD Power cho biết.
JD Power thường xuyên khảo sát những chủ sở hữu xe điện tại Mỹ về trải nghiệm sạc pin của họ. Hai năm trước, 14,5% số người được hỏi cho biết họ không thể sạc pin tại trạm công cộng và bây giờ con số này là 21,4%.
Đây không chỉ là vấn đề riêng tại Mỹ. Zapmap - công ty có ứng dụng theo dõi dữ liệu trực tiếp từ khoảng 70% bộ sạc công cộng ở Anh, vào năm ngoái đã phát hiện ra rằng 6% trạm sạc công cộng không hoạt động ở bất kỳ thời điểm nào.
Cuộc khảo sát sạc điện hàng năm của công ty đã xác định độ tin cậy là mối quan tâm hàng đầu đối với người sở hữu xe điện tại Anh. Một cuộc khảo sát của Tập đoàn tư vấn Boston công bố năm nay cho thấy độ tin cậy là tiêu chí chính mà các tài xế ở Trung Quốc sử dụng khi chọn trạm sạc công cộng, xếp trên tốc độ, mức độ dễ sử dụng và giá cả.
Không có một nguyên nhân duy nhất nào giải thích cho việc bộ sạc xe điện bị lỗi. Một số xảy ra với các trụ cũ, có thể giửi quyết bằng một trụ có công nghệ mới. Các công ty đặt ra chu kỳ nâng cấp trụ sạc cần thiết, chẳng hạn thay thế modem 5G. Tuy nhiên, vô số trạm sạc ngoài kia không phải lúc nào cũng được bảo trì trong khi những trạm sạc hàng ngày phải phục vụ nhiều loại ô tô điện khác nhau, số lượng ô tô điện cũng đang tăng lên nhanh chóng.
Cuối cùng, nguyên nhân khác có thể đến từ sự phân mảnh. Có nhiều công ty phát triển trạm sạc và mỗi công ty có các trạm, ứng dụng cũng như kho lưu trữ dữ liệu trung tâm về hiệu suất khác nhau.
Một nghiên cứu năm ngoái ở San Francisco, không bao gồm các trạm của Tesla, cho thấy khoảng 25% trong số 657 phích cắm không hoạt động, theo JD Power.
Hiện tại, Tesla đang chứng minh được họ là nhà sản xuất những trạm sạc công cộng đáng tin cậy. Công ty của tỷ phú Elon Musk đang sở hữu mạng lưới 45.000 trụ sạc siêu nhanh, có thể tăng phạm vi hoạt động của xe điện lên tới 200 dặm chỉ sau 15 phút sạc.
JD Power cho biết Tesla luôn nhận được điểm hài lòng của khách hàng cao nhất so với bất kỳ công ty sản xuất sạc điện nào trong các cuộc khảo sát. Dữ liệu của Tesla chp thấy thời gian ngừng hoạt động của các trạm sạc chỉ khoảng 3%.
Tuy nhiên, hiện các trụ sạc siêu nhanh của Tesla mới chỉ áp dụng cho chính xe điện mà hãng này sản xuất và không hoạt động với những xe ô tô điện của các hãng khác. Trog khi đó, các trạm sạc công cộng khác thuộc sở hữu của rất nhiều công ty và những tài sản công cộng như vậy khiến các doanh nghiệp không có động lực mạnh mẽ để bảo trì.
Các công ty lắp đặt trạm sạc cũng thừa nhận rằng một vài trụ sạc công cộng đầu tiên được lắp đặt trong 10 năm qua không đáng tin cậy ở mức cần thiết. Michael Farkas, người sáng lập và thành viên hội đồng quản trị Blink, một trong những công ty phát triển sạc điện lớn nhất ở Mỹ, cho biết: “Với những thiết bị thế hệ đầu tiên, người ta không thực sự hiểu tất cả những tác động của điều kiện thời tiết lên những trạm sạc”.
Farkas đặc biệt chỉ trích một số thiết bị “bộ sạc nhanh DC” đầu tiên, những loại có thể sạc đầy pin xe điện nhanh hơn nhiều so với các bộ sạc “cấp 2” phổ biến. “Hoàn toàn rác rưởi,” anh nói. “Chúng cần phải bảo trì nhiều. Và gần như là không thể sử dụng được mọi lúc. Chúng tôi đã ngừng triển khai những thế hệ trạm sạc này cho đến khi xác định được rằng vấn đề đã được giải quyết”.
Mặc dù phần nhiều người Mỹ sẽ sạc xe tại nhà, nhưng quãng đường trung bình mà họ đi đạt mức 300 dặm. Do đó, các trạm sạc xe điện công cộng vẫn rất cần thiết cho những chuyến đi dài và những gia đình không có garage (nhà để xe).
Đây cũng chính là lý do chính quyền ông Biden đã thiết lập một bộ quy tắc dành riêng cho các trạm sạc bị hỏng. Trong đó, yêu cầu bất kỳ trạm sạc nào do Chính phủ liên bang tài trợ cũng phải hoạt động trên 97% thời gian.