|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các thị trường chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi ra sao?

10:42 | 15/09/2023
Chia sẻ
Trong các thị trường chính, xuất khẩu sang Mỹ đang có sự phục hồi rõ nét nhất. Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 9,01 tỷ USD. Đây là mức cao nhất trong 1 năm kể từ tháng 8/2022.

Xuất khẩu sang Mỹ phục hồi rõ rệt nhất

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của Việt Nam đạt 371,3 tỷ USD. Trong đó tổng kim ngạch của 6 thị trường chủ lực đạt 295,54 tỷ USD, chiếm 80%.

 

Trong số các thị trường chính, xuất khẩu sang Mỹ đang có sự phục hồi rõ nét nhất. Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 9,01 tỷ USD. Đây là mức cao nhất trong 1 năm kể từ tháng 8/2022.

So với cùng kỳ, xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng trưởng âm, tuy nhiên chỉ còn giảm 9,4% (cải thiện so với mức giảm 13,7% trong tháng 7 và giảm 25,5% trong tháng 6). So với tháng trước, xuất khẩu sang Mỹ tăng 4,3%. 

 

Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc — thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam chỉ tăng hơn 3% so với cùng kỳ trong tháng 8 (tốc độ tăng giảm so với mức gần 30% của tháng 6 và 15,7% của tháng 7), trong bối cảnh gia tăng nguy cơ về nhu cầu suy yếu của Trung Quốc hậu COVID.

Ngoài ra, xuất khẩu sang EU tháng 8 giảm 3% so với tháng 7 và giảm hơn 12% so với cùng kỳ cho thấy thị trường này vẫn còn nhiều thách thức, do khối này đang phải đối mặt với điều kiện tài chính bị thắt chặt, hoạt động kinh tế suy yếu và niềm tin của người tiêu dùng giảm sút. 

Ba thị trường là ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản đều ghi nhận tăng trưởng theo tháng trong thời gian gần đây. So với cùng kỳ, xuất khẩu sang ASEAN trong tháng 8 đã tăng trưởng dương trở lại, trong khi đó xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tăng trưởng âm hơn 6%.

 

Xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ và xuất khẩu máy tính sang Trung Quốc tăng theo tháng  

Trong nhóm 6 mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ, nhìn từ số liệu, nhóm hàng dệt may đang có sự phục hồi rõ nét theo tháng. Giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này theo xu hướng tăng liên tục từ đầu năm đến nay. So sánh với cùng kỳ, xuất khẩu hàng dệt, may vẫn tăng trưởng âm do mức nền năm ngoái cao, tuy nhiên đà giảm đang dần thu hẹp trong 3 tháng trở lại đây.

Nhóm hàng "gỗ và sản phẩm từ gỗ", "giày dép các loại" ghi nhận sự cải thiện nhẹ. 

 "Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện" cũng là mặt hàng đang trong xu hướng phục hồi. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ trong tháng 8 đạt 1,52 tỷ USD - cao nhất trong 10 tháng trở lại đây. Tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 8 đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ và so với tháng liền trước.  

 

Với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu "máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện" và "điện thoại các loại và linh kiện" đều tăng trưởng so với cùng kỳ trong tháng 8. Riêng xuất mặt hàng "máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện" liên tục tăng cao 4 tháng gần đây.    

 

Đơn hàng quay trở lại sẽ kích hoạt hoạt động kinh tế trong nước

Tại tọa đàm "Chủ động đón vận hội mới" tổ chức ngày 14/9, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng việc xuất khẩu sụt giảm mạnh lần đầu tiên trong lịch sử như thời gian qua gây tác động tâm lý, ảnh hưởng đến đầu tư, tiêu dùng trong nước. 

Với việc xuất khẩu gần đây đã thu hẹp đà giảm, TS. Nguyễn Tú Anh nhận định nếu đơn hàng quay trở lại sẽ kích hoạt lại hoạt động kinh tế trong nước.

Ông cũng nhìn nhận việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ là một cú hích mới có thể thay đổi cục diện nền kinh tế hiện nay. Bước đi này sẽ thay đổi cả bối cảnh bên ngoài và qua đó sẽ cải thiện được môi trường bên trong.

Theo đánh giá của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), hoạt động xuất khẩu và sản xuất hồi phục nhẹ từ đáy, kỳ vọng sớm thoát tăng trưởng âm trong quý cuối năm.

Với ngành sản xuất công nghiệp chế biến và chế tạo định hướng xuất khẩu, hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo đã tăng trưởng trở lại trong ba tháng qua, với mức tăng tháng 8 tăng tốc lên mức 3,5% so với cùng kỳ từ mức tăng 2,6% trong tháng 7.

IIP có tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp (tháng 8 tăng 2,6% so với cùng kỳ; tháng 7 tằng 2,3% và tháng 6 tăng 1,8%). Ngoài ra chỉ số PMI sản xuất tháng 8 lần đầu lên ngưỡng 50 điểm trong 6 tháng hàm ý hoạt động sản xuất sẽ được cải thiện hơn nữa, số lượng đơn đặt hàng mới sẽ tiếp tục cải thiện.        

Anh Đào

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.