Các startup châu Á chịu áp lực cắt giảm chi phí khi hoạt động gọi vốn suy giảm trong năm 2022
Năm ngoái là một trong những năm đầy biến động đối với các công ty khởi nghiệp trên khắp thế giới khi số tiền gọi vốn của họ giảm xuống từ mức cao kỷ lục được ghi nhận trong năm 2021. Châu Á, nơi các nền kinh tế kỹ thuật số vẫn còn tương đối non trẻ và đang phát triển nhanh, cũng không nằm ngoài xu hướng này, theo Asia Nikkei.
Theo một báo cáo của DealStreetAsia, các hoạt động gọi vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu mới của các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á vẫn ổn định trong nửa đầu năm 2022, nhưng sau đó đã giảm hơn 30% trong quý III/2022.
Tại Ấn Độ, một trong những thị trường startup lớn nhất châu Á, các công ty khởi nghiệp đã huy động được tổng cộng 26,3 tỷ USD vào năm 2022, giảm gần 40% so với năm trước, theo công ty theo dõi dữ liệu thị trường Tracxn của Ấn Độ.
Trên toàn thế giới, các hoạt động gọi vốn diễn ra từ tháng 1 đến tháng 11/2022 cũng đã giảm hơn 40% trong năm, theo công ty dữ liệu đầu tư Preqin có trụ sở tại London, Anh.
Mức giảm của các hoạt động gọi vốn đối với startup thậm chí còn lớn hơn cả mức giảm hơn 20% được ghi nhận trong năm 2001 và 2002, sau khi bong bóng dot-com vỡ và mức giảm hơn 30% trong năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra.
Các hoạt động gọi vốn đối với các công ty khởi nghiệp vào năm 2022 đã giảm 45% ở Mỹ và khoảng 50% tại Trung Quốc, hai trong số những hệ sinh thái startup lớn nhất trên thế giới.
Ở một khía cạnh nào đó, năm 2022 có thể được coi là năm “nhẫn nhịn” đối với startup sau khi đã “no nê” trong năm 2021. Vốn đầu tư khởi nghiệp toàn cầu vào năm 2021 đã tăng 130% so với năm trước, theo Preqin. Ngay cả sau khi chứng kiến mức giảm 40%, tổng số vốn đầu tư vào startup trong năm 2022 vẫn cao hơn 40% so với năm 2020 và cao hơn gấp đôi so với năm 2017.
Xu hướng chung này cũng đúng tại một trong những hệ sinh thái startup lớn nhất châu Á là Ấn Độ, quốc gia đã chứng kiến vốn đầu tư vào startup ghi nhận mức tăng 170% trong năm 2021. Con số trong năm 2022 cao gần gấp đôi so với năm 2017 và vẫn ở mức cao so với tiêu chuẩn lịch sử.
Thái độ đầu tư vốn mạo hiểm trên khắp thế giới đã quay ngoắt 180 độ kể từ năm ngoái. Trong năm 2022, những người sáng lập các công ty khởi nghiệp đã bắt đầu tập trung nhiều hơn vào vấn đề tăng trưởng thay vì đốt tiền để mở rộng quy mô như trước.
Kể từ khi Nga mở “chiến dịch đặc biệt” nhắm vào phía Ukraine đã đẩy giá năng lượng lên cao và đẩy nhanh áp lực của lạm phát, khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất, các công ty khởi nghiệp đã buộc phải đặt mục tiêu có lãi lên hàng đầu.
Các nhà sáng lập startup đang phải vật lộn để thích nghi với những thay đổi mạnh mẽ của môi trường đầy thách thức như hiện nay. Công ty giáo dục trực tuyến Ấn Độ Byju's, được cho là công ty khởi nghiệp có giá trị lớn nhất Ấn Độ, đã thông báo vào tháng 10 rằng họ sẽ cắt giảm 2.500 việc làm, tương đương 5% lực lượng lao động.
Ngay cả khi phải sa thải hàng nghìn nhân viên, công ty vẫn đăng logo của mình trên truyền hình trên toàn thế giới thông qua hợp đồng tài trợ vòng chung kết World Cup 2022 tại Qatar có trị giá khoảng 40 triệu USD. Sự tương phản này đã gây ra phản ứng dữ dội ở Ấn Độ.
Sau nhiều tháng trì hoãn, Byju’s cuối cùng đã công bố báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021, theo tạp chí Forbes. Kỳ lân (startup có mức định giá từ 1 tỷ USD trở lên) giá trị nhất Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giáo dục này ghi nhận khoản lỗ tăng cao.
Cụ thể, khoản lỗ của Byju’s trong năm qua đạt mức 45,6 tỷ rupee (573 triệu USD), cao hơn nhiều so với khoản lỗ 3,1 tỷ rupee một năm trước đó. Theo Byju’s, lý do chính dẫn đến khoản lỗ lớn này là do chi phí hoạt động của công ty đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua. Bên cạnh đó, doanh thu của Byju’s cũng giảm 3% xuống 24,3 tỷ rupee trong cùng kỳ.
Sau khi các báo cáo cho rằng kết quả bị trì hoãn do sự khác biệt với kiểm toán viên, kỳ lân edtech Byju’s có trụ sở tại Bangalore đã hoãn việc ghi nhận gần 40% doanh thu theo lời khuyên của các kiểm toán viên.
“Rõ ràng Byju’s cần phải thực hiện các hành động khắc phục trên nhiều mặt, nhưng về việc ghi nhận doanh thu, không có gì lạ khi một doanh nhân và một kiểm toán viên có cách hiểu khác nhau về cách doanh thu nên được ghi nhận”, chuyên gia kinh tế K. Ganesh nói.
Byju's phải đối mặt với thử thách về khả năng quản lý chi phí và hình ảnh của mình khi tìm kiếm cơ hội chào bán lần đầu ra công chúng (IPO). Các công ty khởi nghiệp khác, cả đã niêm yết và chưa niêm yết, có khả năng phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn của riêng họ vào năm 2023.