Các quỹ đầu tư sợ ngân hàng trung ương sẽ phá hoại bữa tiệc của thị trường chứng khoán
Các nhà quản lý quỹ được khảo sát bởi Bloomberg nhận định rủi ro lớn nhất tới thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2022 là sự xoay chuyển chính sách vội vàng của các ngân hàng trung ương nhằm kiểm soát lạm phát.
Khảo sát 106 nhà quản lý quỹ tại các công ty đầu tư từ ngày 3 đến 13/12 cung cấp cái nhìn sơ bộ về một số kỳ vọng và mối lo ngại chung của các tay chơi lớn trong năm 2022. Dưới đây là tóm tắt một số phát hiện chính:
Rủi ro suy giảm
Đa số nhà đầu tư mà Bloomberg liên hệ nhận định lạm phát tăng vọt hoặc các động thái quá đà của ngân hàng trung ương để kiềm chế giá cả là mối nguy lớn nhất của năm sau.
Bà Julien Lafargue, Giám đốc đầu tư tại Barclays Private Bank cho biết: "Một trong những rủi ro lớn nhất sẽ là việc thắt chặt tiền tệ quá mức. Tuy tình hình đã cải thiện đủ để dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp, kinh tế Mỹ và thế giới khó có thể chịu được những đợt tăng lãi suất khốc liệt, đặc biệt là từ Fed".
Lo ngại về thắt chặt tiền tệ vượt trội hơn hẳn các rủi ro khác, bao gồm khả năng đại dịch tái bùng phát, Trung Quốc giảm tốc hoặc sự kiện địa chính trị. Nhưng điều đó không có nghĩa những nguy cơ này bị ngó lơ.
"Không may là COVID-19 vẫn sẽ tồn tại trong tương lai gần", ông Marcus Morris-Eyton, nhà quản lý danh mục của công ty quản lý tài sản Allianz Global Investors quy mô 730 tỷ USD chia sẻ ý kiến. "Nhưng điều quan trọng là chúng ta đã làm quen với việc xử lý các hậu quả cá nhân và kinh tế của virus".
Đối với một số người, sự hưng phấn quá mức trong thị trường là nguy hiểm lớn. Ông Alasdair McKinnon, Giám đốc công ty Scottish Investment Trust trị giá 890 tỷ USD chia sẻ: "Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang ở trong bong bóng lớn không kém những gì tôi từng trải qua trong quá khứ. Các dấu hiệu đầu cơ cực đoan xuất hiện trong tiền mã hóa, SPAC và sự bùng nổ của các cuộc IPO".
Ngưỡng lạm phát
Bất chấp sự đồng thuận rằng lạm phát là rủi ro, xác định tỷ lệ mà lạm phát trở thành mối nguy tới thị trường chứng khoán mới là phần khó. Đối với hầu hết nhà quản lý quỹ mà Bloomberg khảo sát, rắc rối bắt đầu khi tăng trưởng hàng năm của giá tiêu dùng Mỹ liên tục ở trên 3%.
Nhưng gần 20% số người được hỏi cho rằng lạm phát sẽ không cản bước chứng khoán nếu không vượt quá 5%.
Đối với ông Salvatore Bruno, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý 650 tỷ USD tài sản Generali Investments Partners, điểm phá vỡ là khi lạm phát hàng năm của Mỹ duy trì trên mức 4%. Nhiều chuyên gia dự kiến lợi suất sẽ không theo kịp sự gia tăng của giá tiêu dùng, do vậy lợi suất thực của trái phiếu sẽ quá thấp để có thể thay thế cổ phiếu.
"Chúng tôi nghĩ lợi suất thực là chỉ tiêu tối quan trọng cần quan sát để hiểu thị trường có thể trật bánh như thế nào", ông Bruno nói.
Ông Pascal Blanque, Giám đốc đầu tư của Amundi, một trong những nhà quản lý tài sản lớn nhất châu Âu cũng đồng tình với ý kiến trên. "Miễn là các ngân hàng trung ương định mức trần của lợi suất danh nghĩa và lợi suất thực vẫn quá thấp thì nhà đầu tư chỉ có thể hướng đến cổ phiếu".
Tiềm năng tăng
Dĩ nhiên nhà đầu tư cũng chuẩn bị cho những bất ngờ tích cực. Đứng đầu trong số đó là nền kinh tế chứng tỏ có sức bền bỉ lớn hơn kỳ vọng chung hiện nay.
Sự tiếp nối phục hồi kinh tế mạnh mẽ là cơ sở cho quan điểm tích cực về chứng khoán của Goldman Sachs Asset Management.
Ông Luke Barrs, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục cổ phiếu khách hàng khu vực Châu Âu, Trung Đông và châu Phi nói qua điện thoại: "Chúng tôi nhận thức rõ rằng lạm phát và lãi suất có thể bắt đầu gia tăng trong năm 2022. Nhưng chúng tôi không cho rằng lạm phát sẽ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán nói chung miễn là động lực tăng trưởng vẫn mạnh mẽ".
24% người tham gia khảo sát cho rằng lạm phát hóa ra chỉ là tạm thời sẽ là bất ngờ tích cực nhất, tuy một số người cẩn trọng nói rằng điều đó còn phụ thuộc vào lý do. Ông Stefan Kreuzkamp, Giám đốc đầu tư tại công ty DWS trị giá 990 tỷ USD chỉ ra: "Tỷ lệ lạm phát đi xuống có thể là do nguyên nhân "tiêu cực", ví dụ như tăng trưởng chậm lại".
Chủ đề đầu tư
Vậy các quỹ lớn sẽ đầu tư vào đâu trong năm sau?
Theo kết quả khảo sát thì 2022 là thời điểm chín muồi để đầu tư vào cổ phiếu giá trị, với 24% người trả lời cho biết đó là lựa chọn hàng đầu của họ. Các nhà đầu tư châu Âu chỉ ra cơ hội trong cổ phiếu vốn hóa nhỏ.
Ông Perez Ruiz, Giám đốc đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính quy mô 275 tỷ USD Pictet Wealth Management đặt cược vào những công ty có quyền lực định giá, có thể chống chọi với lạm phát trên nhiều lĩnh vực.
Ông George Lagarias, nhà kinh tế trưởng tại Mazars Wealth Management lưu ý đến xu hướng giảm thiểu carbon và nền kinh tế bền vững.
"Không quá lời khi nói rằng chỉ riêng lượng tiền nhà đầu tư tổ chức đổ vào xu hướng phát triển bền vững Môi trường – Xã hội – Quản trị Doanh nghiệp (ESG) là đủ để khiến hầu hết các chủ đề đầu tư khác bị cho ra rìa, chứ chưa cần nói đến bức tường quy định quản lý".
Còn về lựa chọn địa điểm, nhà đầu tư có xu hướng ưa thích khu vực mà họ sống. Người châu Âu mạnh tay vào chứng khoán châu Âu, nhà đầu tư ở Mỹ tự tin vào chứng khoán Mỹ còn các quỹ ở châu Á thì không mấy bi quan về Trung Quốc.
Đối với ông Kevin Thozet, thành viên ủy ban đầu tư tại Carmignac, công ty giám sát khoảng 46 tỷ USD thì "khu vực mà định giá có vẻ hấp dẫn nhất" là các thị trường mới nổi. "Khả năng Trung Quốc thay đổi chính sách trong khi Mỹ dự kiến sẽ thắt chặt cả chính sách tiền tệ lẫn tài khóa cho lý do để ủng hộ chứng khoán Trung Quốc", ông cho biết.