|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các nước thành viên sẽ ra sao sau khi Mỹ rút khỏi TPP?

09:04 | 04/02/2017
Chia sẻ
Ngay sau khi tân tổng thống Donald Trump ký quyết định rút khỏi TPP, các nước thành viên còn lại đã chuẩn bị phương án dự phòng.

Bên cạnh một số nước vẫn nuôi hy vọng mong manh rằng TPP sẽ được cứu vãn hoặc duy trì, số khác lại cho rằng đây chính là thời điểm "vàng" để Trung Quốc "thế chân" Mỹ trong khu vực.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho rằng “TPP là vô nghĩa nếu không có Mỹ” bởi điều kiện để tiếp tục hiệp định TPP là phải có từ sáu nước trở lên phê chuẩn thỏa thuận và các nước này phải chiếm ít nhất 85% tổng GDP của 12 nước ban đầu, trong khi chỉ tính riêng Mỹ đã chiếm 60% tổng GDP. Bên cạnh đó, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF vừa qua cũng đã cảnh báo song song với việc rút khỏi TPP, chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong nước sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển ở Châu Á.

Ngay sau khi tân tổng thống Donald Trump ký quyết định rút khỏi TPP, Thủ tướng Australian ông Malcolm Turnbull đã có cuộc gặp mặt với các đối tác tại Nhật Bản, Singapore và New Zealand. Ông Malcolm Turnbull giữ vững quan điểm duy trì TPP mà không có sự tham gia của Mỹ bằng cách "kêu gọi Trung Quốc tham gia vào TPP".

Bộ trưởng Ngoại giao Chile ông Heraldo Munoz đề xuất ý kiến mở cuộc họp bộ trưởng các nước thành viên TPP trong tháng Ba tới, trong đó có sự góp mặt của Trung Quốc, Hàn Quốc và một số các nước không thuộc thành viên của hiệp định.

Riêng phía Australia và New Zealand cho rằng sẽ không có vấn đề gì nếu mời Trung Quốc tham gia vào TPP và "thế chân" Mỹ cả. Nếu Trung Quốc tham gia vào TPP thì đây sẽ là "miếng bánh" hấp dẫn đối với ngành xuất khẩu nông sản của cả hai quốc gia này.

Trong khi đó Malaysia và Singapore đang cân nhắc việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia, ông Mustapa Mohamed khẳng định Malaysia sẽ chuyển hướng tập trung sang RCEP và đàm phán các hiệp định tự do thương mại song phương khác.

Trái lại, Nhật Bản là một trong số ít những quốc gia thành viên vẫn giữ tia hy vọng mong manh rằng Mỹ sẽ thay đổi ý kiến và quay lại với hiệp định. Theo nội dung đàm phán, Nhật Bản đã mở cửa thị trường đối với Malaysia và Việt Nam trong khi vẫn giữ mức thuế 19% đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Ngoài ra Nhật Bản sẽ giảm thuế suất đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam từ mức bình quân 5,4% năm 2008 xuống còn 1,31% năm 2019. Đổi lại Việt Nam sẽ nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất từ Nhật Bản. Trong khi đó, các quốc gia còn lại tuyên bố sẽ giữ mức thuế trung bình 1,5% đối vớ các mặt hàng nông sản nhập khẩu, thấp hơn rất nhiều so với Nhật Bản.

cac nuoc thanh vien se ra sao sau khi my rut khoi tpp

Donald Trump ký quyết định rút khỏi TPP ngay khi nhậm chức Tổng thống

Việc ông Trump ký quyết định rút khỏi TPP không còn gây bất ngờ với nhiều người bởi ngay từ khi tranh cử tân tổng Mỹ đã bày tỏ rõ quan điểm phản đối các hiệp định thương mại tự do và cho rằng các hiệp định này không có lợi cho người dân Mỹ. Tuy nhiên, điều ít ai ngờ rằng trong văn bản của hiệp định TPP bao gồm 30 chương, không có một điều khoản nào cho phép các nước đã ký kết tham gia đơn phương rút lui trước khi hiệp định có hiệu lực. Vì vậy, nếu dựa trên những điều khoản của TPP thì quyết định của ông Trump không có hiệu lực. Điều đó có nghĩa là trong vòng bốn năm tới, sau khi ông Trump hết nhiệm kỳ, rất có thể vị tổng thống mới sẽ phê chuẩn hiệp định, TPP cuối cùng cũng sẽ có hiệu lực.

Mặc khác, cũng không có điều khoản nào trong TPP cho phép thành viên mới tham gia trước khi hiệp định có hiệu lực. Vì thế, dù Australia muốn Trung Quốc tham gia thì điều này cũng khó thành hiện thực do cần một số thủ tục bổ sung khác. Việc thay đổi các thành viên trong hiệp định đòi hỏi cần phải có các điều khoản mới dựa trên những điều khoản sẵn có. Và bởi vì việc để Trung Quốc thay thế Mỹ đồng nghĩa với việc thay đổi "cán cân" quyền lực, nhiều chuyên gia cho rằng điều là không thể.

Kịch bản khả thi nhất lúc này là quy định của RCEP sẽ được lấy làm quy chuẩn thương mại Châu Á bởi hiện tại RCEP đang là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trong khu vực. Một số nước thuộc khối ASEAN đang kêu gọi kết thúc đám phán RCEP vào cuối năm nay - vừa đúng lúc kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Các điều khoản về hạ hàng rào thuế quan cũng như việc bãi bỏ các quy định thương mại thuộc RCEP do Trung Quốc dẫn đầu được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn TPP và thúc đẩy thương mại trong khu vực. Hiện tại 7 trong số 12 nước thành viên TPP đã đồng ý tham gia đàm phán RCEP.

Một kịch bản khác cũng có thể xảy ra đó là kỷ nguyên của các hiệp định thương mại tự do đa phương sẽ chính thức kết thúc và quay lại thời kỳ của những hiệp định thương mại song phương. Trên thực tế đã có nhiều hiệp định song phương đã được ký kết và nhiều hiệp định khác thậm chí còn hấp dẫn ngang ngửa với TPP đang trong vòng đàm phán. Những hiệp định đó sẽ tạo đà tăng trưởng mạnh cho nhiều nền kinh tế.

Đức Quỳnh