|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các nước tăng cường tàu cảnh sát biển đối phó Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông

15:26 | 21/07/2019
Chia sẻ
Các nước trong khu vực đang tăng cường năng lực của lực lượng cảnh sát biển thông qua việc trang bị các tàu mới nhằm đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Các nước tăng cường tàu cảnh sát biển đối phó Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông - Ảnh 1.

Một tàu cảnh sát biển Philippines đi ngang qua tàu cảnh sát biển Trung Quốc trong cuộc tập trận cứu hộ giữa Mỹ và Philippines gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. (Ảnh: AFP)

Lực lượng cảnh sát biển Philippines ngày 17/7 thông báo sẽ tiếp nhận một tàu tuần tra ngoài khơi, dài 84m do Pháp sản xuất, vào tháng 12 tới. Đây được cho là tàu tuần tra “hiện đại nhất và lớn nhất” của Philippines.

Theo truyền thông địa phương, con tàu trên được thiết kế để tiến hành các hoạt động tuần tra ven biển tại các vùng biển của Philippines, cũng như các hoạt động trinh sát hàng hải và thực thi pháp luật. Tàu tuần tra này được kỳ vọng sẽ thực hiện tất cả sứ mệnh đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải của Philippines tại Biển Đông.

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cam kết giúp đỡ các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam, trong việc phát triển lực lượng cảnh sát biển và huấn luyện các sĩ quan thuộc lực lượng này.

Việc các nước trong khu vực tăng cường năng lực của lực lượng cảnh sát biển diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh sử dụng các tàu cảnh sát biển để khẳng định yêu sách chủ quyền ngang ngược của nước này tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Trung Quốc muốn tăng cường sử dụng tàu cảnh sát biển nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông mà không cần có sự tham gia của quân đội nước này. Giới quan sát nhận định động thái này của Bắc Kinh có thể khiến căng thẳng leo thang tại Biển Đông. Điều này cũng cho thấy vai trò ngày càng tăng của các tàu cảnh sát biển, hay còn gọi là các tàu “thân trắng”, trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

“Các tàu thân trắng ngày càng hoạt động tích cực hơn tại (tranh chấp) Biển Đông và vai trò của chúng ngày càng trở nên đáng chú ý hơn so với các lực lượng quân sự”, Zhang Mingliang, giáo sư trợ giảng chuyên nghiên cứu Biển Đông tại Đại học Tế Nam, Trung Quốc, nhận định.

Theo chuyên gia Zhang, dư luận thường chỉ tập trung vào sự phát triển của sức mạnh hải quân, trong khi không mấy quan tâm tới sự phát triển của lực lượng cảnh sát biển.

“Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong khi sức mạnh hải quân đang tăng lên, số lượng tàu cảnh sát biển trong khu vực cũng gia tăng với tốc độ nhanh chóng”, chuyên gia Zhang cho biết.

Năm 2012, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough trên Biển Đông từ Philippines sau cuộc đụng độ kéo dài nhiều tháng giữa tàu cá và tàu cảnh sát biển hai nước. Đây cũng là một trong những vụ việc căng thẳng nhất liên quan tới tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông.

Các nước tăng cường tàu cảnh sát biển đối phó Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông - Ảnh 2.

Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc tìm cách chặn tàu Philippines khi tàu Philippines tiến vào bãi Cỏ Mây tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: AP)

Giới quan sát khu vực cho rằng việc Trung Quốc sử dụng các lực lượng phi quân sự và các tàu cảnh sát biển nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền trên Biển Đông đã “mở ra bài học” cho các nước khác trong khu vực, mặc dù rào cản về tài chính có thể giới hạn nỗ lực của các nước này.

“Về lý thuyết, việc triển khai lực lượng cảnh sát biển thay vì hải quân sẽ để lại ấn tượng về quân sự ít hơn, đồng thời thúc đẩy sự ổn định. Tuy nhiên trên thực tế, như chúng ta đã thấy trong các sự kiện gần đây, việc sở hữu lực lượng cảnh sát biển đã khuyến khích một số bên thực hiện hành vi cưỡng ép”, Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Chương trình An ninh Hàng hải thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định.

Mặc dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, song quốc đảo Đông Nam Á vẫn âm thầm phát triển lực lượng cảnh sát biển trong một năm qua.

Hồi tháng 2, Philippines đã tiếp nhận 2 tàu cao tốc cao 12m từ Nhật Bản trong chương trình hỗ trợ chống khủng bố, trong khi Nhật Bản là nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Hồi tháng 5, lần đầu tiên trong vòng 7 năm, chính phủ Philippines đón tiếp tàu cảnh sát biển USCGC Bertholf của Mỹ ghé thăm. Tàu USCGC Bertholf đã tham gia cuộc tập trận huấn luyện quân sự với hai tàu cảnh sát biển Philippines nhằm tăng cường “năng lực tìm kiếm, cứu hộ, an ninh hàng hải và thực thi pháp luật”.

Theo chuyên gia Koh, mặc dù các vấn đề thường ngày liên quan tới an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm việc ngăn chặn các hoạt động trái phép trên biển, có thể là lý do thôi thúc các quốc gia trong khu vực phát triển lực lượng cảnh sát biển, song rõ ràng, Trung Quốc chính là “động lực thôi thúc chủ đạo” khiến các nước phải chạy đua để nâng cao năng lực của lực lượng cảnh sát biển.

Chuyên gia Zhang nhận định, trong bối cảnh các nước tăng cường triển khai tàu cảnh sát biển tới các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, nguy cơ đối đầu và xung đột nguy hiểm có thể gia tăng, nhất là khi khu vực này hiện vẫn chưa có bộ quy tắc ứng xử nào áp dụng cho các tàu cảnh sát biển.

“Cho đến nay, cách tiếp cận phổ biến nhất (với các nước trong khu vực) vẫn là đổ xô mua các tàu mới, giống như một cuộc đua tàu cảnh sát biển. Tuy nhiên, bởi vì ngày càng nhiều tàu cảnh sát biển được triển khai, nên ngày càng khó để tránh xảy ra các vụ va chạm”, chuyên gia Zhang dự báo.

Chuyên gia Koh cho rằng do chưa có các quy tắc để ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ từ các vụ va chạm giữa các tàu cảnh sát biển, tình hình Biển Đông sẽ trở nên phức tạp hơn khi các nước khác, chẳng hạn Malaysia và Indonesia, cũng triển khai các lực lượng hải quân tới khu vực này.

“Sự phức tạp ở đây đó là, trong tương lai gần, chúng ta sẽ chứng kiến các lực lượng hải quân và cảnh sát biển hoạt động trong cùng một khu vực, thay vì chỉ có các vụ chạm trán giữa tàu các tàu cảnh sát biển với nhau”, chuyên gia Koh cho biết.

Thành Đạt