Các nước phát triển đối mặt tình trạng thiếu lao động
Theo tờ Financial Times, dữ liệu kinh tế cho thấy áp lực này thể hiện rõ nhất ở Mỹ. Bà Jennifer McKeown từ công ty tư vấn Capital Economics cho biết các cuộc khảo sát doanh nghiệp tại Mỹ đưa ra "bằng chứng rõ ràng về tình trạng thiếu lao động", với số lượng các vị trí tuyển dụng tăng và thời gian làm việc của người lao động tăng nhiều giờ so với mức trước đây.
Ở châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu giảm, và tại London và Berlin cũng như các thành phố của Mỹ, các quán bar và nhà hàng đang vất vả tìm nhân viên cho các vị trí trống.
Tại Mỹ, một số chính trị gia và nhà kinh tế cho rằng sự kết hợp của các khoản trợ cấp thất nghiệp hào phóng, những lo ngại về sức khỏe và vấn đề chăm sóc con cái có thể khiến nhiều người chưa muốn đi làm trở lại.
Tại Anh, các nhà tuyển dụng cho biết nhiều công dân Liên minh châu Âu (EU) đã rời nước này trong khi số khác lựa chọn tiếp tục tạm nghỉ thay vì tìm việc mới cho tới khi lệnh phong tỏa chấm dứt.
Ngay cả ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, nơi các nền kinh tế đang bắt đầu giai đoạn mở cửa trở lại, các cuộc khảo sát doanh nghiệp mới nhất cho thấy việc thuê nhân viên ngày càng trở nên khó khăn.
Tuy nhiên, với việc nền kinh tế Mỹ vẫn thiếu 10 triệu việc làm so với thời kỳ trước đại dịch, và chỉ tính riêng ở Pháp và Đức, có tới 5 triệu công nhân đang tạm thời nghỉ việc tính đến cuối quý 1, thì các nhà tuyển dụng có thể thu hút số lượng lớn người muốn đi làm trở lại. Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu các nhà tuyển dụng có cần tăng lương để thu hút nhân viên hay không.
Tại Mỹ, chỉ số chi phí việc làm hàng quý cho thấy quý 1/2021 ghi nhận mức tăng lương cao nhất trong vòng 14 năm, song con số này có thể biến động. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh, các chỉ số về tăng lương cũng không đảm bảo chính xác do số lượng lớn người lao động được trả lương thấp vẫn chưa đi làm.
Theo ông Ian Shepherdson từ công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics, nếu tình trạng thiếu lao động không được giải quyết, thì mức tiền lương tại Mỹ sẽ tăng vọt do nhu cầu về lao động đang tăng cao. Tuy nhiên, ông cho rằng áp lực này chỉ là tạm thời, đặc biệt sau khi các trường học mở cửa trở lại và tiền trợ cấp thất nghiệp giảm.
Giám đốc chính sách tại Viện Chính sách Kinh tế, bà Heidi Shierholz, cũng cho rằng, ngành khách sạn và giải trí ở Mỹ sẽ không phải chịu áp lực tăng lương bởi mức lương trong ngành này, vốn thấp hơn nhiều so với các ngành khác, chỉ đơn thuần là quay lại xu hướng trước đại dịch.
Các nhà kinh tế khác cũng cho rằng có áp lực tăng lương tại Mỹ nhưng sẽ chỉ mang tính nhất thời và không nặng nề bằng các nơi khác, đặc biệt so với khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Ông Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Berenberg, chỉ ra sự khác biệt trong hệ thống thương lượng tiền lương sẽ dẫn đến các xu hướng khác nhau. Ở một số quốc gia, tiền lương được tính theo lạm phát của năm trước, nghĩa là mức tăng sẽ không lớn trong năm 2021. Tại Đức, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, các thỏa thuận trả lương theo ngành được ký theo thời hạn hai năm, vì vậy ngay cả khi ngành công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, mức tăng tiền lương sẽ không xảy ra ngay.
Ông Schmieding cũng lưu ý rằng tiền lương có xu hướng điều chỉnh chậm hơn tại các nước châu Âu, nơi nhiều người lao động được trả lương theo ngành. Ông cũng cho rằng tiền lương chỉ tăng mạnh tại khu vực đồng tiền chung châu Âu sau khi khối này đạt được toàn dụng lao động trong hai năm nữa.
Cuối cùng, xu hướng tiền lương tại các nền kinh tế phát triển sẽ phụ thuộc vào sức mạnh phục hồi của các nền kinh tế này cũng như mức độ của những biện pháp kích thích kinh tế mà các chính phủ và ngân hàng trung ương tiếp tục triển khai trong những tháng tới.