|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các NHTW không còn nhiều dư địa để đối phó với dịch COVID-19

16:07 | 16/03/2020
Chia sẻ
Theo SSI Research, nếu dịch COVID-19 tạo ra khủng hoảng kinh tế thì nguồn lực và hiệu lực điều hành của các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn để chống chọi lần này thực sự thấp hơn rất nhiều so với đợt khủng hoảng 2008-2009.
Các NHTW không còn nhiều dư địa để đối phó với dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo về ứng phó chính sách của các chính phủ đối với dịch COVID-19.

Theo SSI Research, ngày 11/3/2020, WHO đã công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Lần gần đây nhất thế giới đối mặt với đại dịch là dịch cúm H1N1 bắt đầu vào 3/2009 và kéo dài trong khoảng 6 tháng, cho đến khi WHO duyệt đưa vắc xin vào sử dụng vào 9/2009.

Nếu như đại dịch H1N1 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trượt dốc mạnh do khủng hoảng tài chính 2008 bắt nguồn từ Mỹ thì đại dịch COVID-19 cũng diễn ra khi tăng trưởng toàn cầu giảm tốc vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Sự cộng hưởng tác động khiến người ta liên tưởng đến viễn cảnh suy thoái kinh tế trong năm 2020 giống như đã xảy ra trong năm 2009.

Ở thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh vẫn là một ẩn số nhưng các tác động của nó đến thương mại, sản xuất và du lịch toàn cầu đang ngày càng hiển hiện khiến các Chính phủ không thể đứng yên.

Các NHTW không còn nhiều dư địa để đối phó với dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Làn sóng nới lỏng tiền tệ lan rộng nhưng dư địa không còn nhiều

Theo SSI Research, nền kinh tế Trung Quốc vốn đang xuống sức sau 18 tháng đối đầu thương mại với Mỹ lại phải ứng phó với dịch bệnh bùng phát đã khiến NHTW Trung Quốc tiếp tục mạnh tay nới lỏng tiền tệ bao gồm: hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản, giảm 5 điểm lãi suất cho vay trung dài hạn (MFL – là khoản PBOC cho các NHTM vay) và 10 điểm cơ bản lãi suất cho vay cơ bản (LPR- cơ sở xác định lãi suất NHTM cho khách hàng vay), bơm mạnh tiền trên thị trường mở…

Hiện tại, tỉ lệ dự trữ bắt buộc của Trung Quốc là 12,5% với các NHTM lớn, lãi suất MFL và LPR kỳ hạn 1 năm lần lượt là 3,25% và 4,05%/năm, vẫn là mức khá cao nên PBoC còn có thể tiếp tục mở rộng quI mô nới lỏng.

Một số nước chịu ảnh hưởng trực tiếp như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Nga… tiếp bước theo Trung Quốc khi giảm 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành.

Sang đầu tháng 3, khi dịch bệnh lan rộng, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phải hạ lãi suất khẩn cấp 50 điểm cơ bản vào ngày 3/3/2020 và tiếp tục hạ thêm 100 điểm cơ bản xuống mức 0-0.25% vào 15/3/2020, đồng thời bơm 1.000 tỉ USD trên thị trường mở và mua vào 700 tỉ USD trái phiếu.

Làn sóng nới lỏng toàn cầu được kích hoạt, chỉ từ đầu tháng 3 đến nay đã có thêm 20 nước giảm lãi suất điều hành từ 25 -100 điểm cơ bản trong đó có Anh, Canada, Úc, Hồng Kông.

Nếu tính từ giữa 2019 đến nay, lần giảm lãi suất này đa phần đã là đợt giảm thứ 3 và 4 của các NHTW, vùng lãi suất điều hành hiện tại đã rất thấp: Mỹ 1-1,25%; Anh 0,25%; EU 0%; Úc 0,25%; Canada 1,25%... thậm chí lãi suất âm 0,1% đã được duy trì trong một thời gian dài ở Nhật Bản. 

Theo SSI Research, vùng lãi suất điều hành hiện tại của các nước lớn đã thấp hơn giai đoạn cuối 2007 từ 350-500 điểm cơ bản. Dù có cắt giảm tối đa, tổng mức cắt giảm lãi suất của Fed cũng chỉ bằng một nửa so với thời kì 2008.

Thêm vào đó là môi trường lãi suất thấp đã được duy trì trong suốt 7 năm (2009-2015), dù Mỹ có tăng nhanh lãi suất từ 2016 -2018 nhưng hầu hết các nước EU, Nhật, Úc vẫn duy trì mức lãi suất thấp khiến cho tiền giá rẻ tràn ngập.

"Nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra, nguồn lực và hiệu lực điều hành của các NHTW lớn để chống chọi lần này thực sự thấp hơn rất nhiều so với đợt khủng hoảng 2008-2009", SSI Research nhận định.

Các NHTW không còn nhiều dư địa để đối phó với dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Nguồn: SSI Research

Nới lỏng tài khóa cũng được thực hiện đồng thời

Theo SSI Research, cũng như giai đoạn 2008, để trợ lực cho chính sách tiền tệ trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế, các Chính phủ đang nới lỏng tài khóa thông qua tăng chi tiêu chính phủ và giảm/hoãn thuế.

Mới đây, Singapore đã công bố gói ngân sách trị giá 4,6 tỉ USD; Nhật Bản cung cấp gói chi tiêu khẩn cấp 4,1 tỉ USD; Anh thông qua dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc 106 tỉ bảng; Trung Quốc công bố một loạt chính sách ưu đãi thuế với các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; Chính phủ Mỹ đang đề xuất giảm thuế bảng lương về 0%; Hàn Quốc thông qua gói ngân sách bổ sung 9,8 tỉ USD; Malaysia miễn thuế TNCN cho lao động trong ngành du lịch;…

Suy thoái 2008 bắt nguồn bong bóng nhà ở bị vỡ tại Mỹ làm rung chuyển và đổ vỡ hệ thống ngân hàng và dẫn tới khủng hoảng tài chính. Ở thời điểm hiện tại, dịch bệnh lan rộng đã khiến hoạt động giao thương, du lịch, chuỗi sản xuất toàn cầu bị tê liệt gây tổn thất lớn cho các nền kinh tế.

Tuy vậy, so với giai đoạn trước, hệ thống ngân hàng toàn cầu đã vững vàng hơn rất nhiều, đầu tầu kinh tế Mỹ vẫn đang ở trạng thái ổn định nên khi dịch bệnh bị đẩy lùi, các hoạt động kinh tế sẽ khôi phục mạnh mẽ.

"Nỗi sợ khủng hoảng đến từ yếu tố tâm lí nhiều hơn là các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Bởi vậy, vẫn có cơ sở để hi vọng sau tháng 6 (thời điểm bắt đầu mùa hè) các hoạt động kinh tế trên toàn cầu sẽ quay trở lại với cường độ mạnh để bù đắp cho phần những tháng trước đó, kinh tế toàn cầu sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại mà không rơi vào suy thoái", nhóm phân tích SSI Research nhận định.

Quốc Thụy

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.