Các nhà sản xuất thép Nhật Bản gặp khó khăn vì giá nguyên liệu tăng cao
Giá các sản phẩm thép đã rơi vào tình trạng ảm đạm do nguồn cung dư thừa của Trung Quốc và gần đây đã dần dần tăng lên nhờ nhu cầu từ hoạt động sản xuất ô tô và các công ty xây dựng.
Sản lượng thép thô trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 đã tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, lần đầu tiên trong vòng 3 năm xét trên khoảng thời gian xem xét là 6 tháng.
Hàng tồn kho thép tấm được sử dụng cho sản xuất ô tô và đồ gia dụng cơ bản hiện dưới 4 triệu tấn, mức được coi là thích hợp cho ngành công nghiệp thép, kể từ tháng 7 trở lại đây.
Xuất khẩu thép vào tháng 10 đã giảm 1,9% so với một năm trước, mức giảm đầu tiên trong sáu tháng. Nhu cầu trong nước đối với sản phẩm thép là tương đối ổn định.
Sự dư thừa cung của các nhà máy sản xuất thép gần đây đã giảm do đó cũng hạn chế ảnh hưởng đến các nhà sản xuất Nhật Bản nói riêng và các nước sản xuất thép khác trên toàn cầu nói chung. Mặc dù sản lượng thép thô của các nhà sản xuất Trung Quốc tăng 4% trong tháng 10, đánh dấu mức tăng tháng thứ tám liên tiếp, nhưng sản lượng đó được xem là "phù hợp với sự gia tăng nhu cầu", dựa trên kế hoạch chi tiêu cho các dự án, công trình công cộng của chính phủ Trung Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu thép của Trung Quốc thực tế đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp vào tháng 10 vì thế tác động của thép giá rẻ Trung Quốc không còn nhiều. Giá thép cuộn cán nóng hiện đang đứng ở mức khoảng 450-500 USD/tấn tại thị trường châu Á, tăng khoảng 25% đến 30% so với sáu tháng trước đây.
Song, giữa sự thay đổi tích cực của thị trường thép, các nhà sản xuất Nhật Bản đang ngày càng bồn chồn hơn về mức giá tăng cao của các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt và than.
Nhật Bản vốn thường xuyên nhập than từ các nhà cung cấp lớn của Mỹ và châu Âu, trong các hợp đồng giai đoạn tháng 10-12, họ đã phải nhập than với giá 200 USD/tấn, gần gấp đôi giá của quý trước. Giá mua của giai đoạn quý I/2017 mới đây vừa được ký ở mức 285 USD.
Giá than đang tăng vọt không chỉ vì một tai nạn tại một mỏ của Úc, mà còn bởi vì các công ty khai thác mỏ Trung Quốc cắt giảm số ngày hoạt động theo các quy định của Chính phủ. Và hiệu quả kinh doanh yếu kém của các nhà sản xuất thép cũng như các quy định khó khăn hơn về môi trường đã buộc nhiều mỏ than tại Mỹ đóng cửa.
Giá quặng sắt cũng đã tăng cao. Vì thế, các nhà sản xuất thép Nhật bản đã quyết định tăng giá các sản phẩm trong tháng 10 lên 10.000 Yên (84,65 USD) một tấn để trang trải cho chi phí gia tăng của nguyên liệu này. Ngày 07/12 vừa rồi, họ lại tiếp tục công bố tăng thêm 10.000 Yên nữa.
Nhưng vì cần thời gian để mức giá cao được áp dụng, do vậy thu nhập của các nhà sản xuất thép sẽ bị suy giảm với mức độ tương đối lớn trong năm tài chính 2016 ít nhất cho tới tháng 2 năm sau.
JFE Steel dự kiến lần đầu tiên sẽ lỗ trước thuế, trong khi Kobe Steel cũng dự báo lỗ khoảng 30 tỷ Yên trong mảng kinh doanh thép.
Giá thép vẫn đang tiếp tục tăng cao được xem như những nỗ lực của các nhà sản xuất nhằm vượt qua mức giá tăng cao của nguyên liệu. Nhưng một khi đồng Yên tăng trở lại, việc đàm phán với các nhà sản xuất ô tô, thiết bị và những người sử dụng thép cỡ lớn khác sẽ càng thêm khó khăn.