Các nhà sản xuất hàng đầu dự kiến hạn chế xuất khẩu tới 300.000 tấn cao su để kích giá
Động thái này, biết đến chính thức là Kế hoạch thống nhất về khối lượng xuất khẩu (AETS), được công bố sau buổi họp ngày thứ Sáu (22/2) của Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC), gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Ba quốc gia này chiếm khoảng 70% sản lượng cao su tự nhiên trên toàn cầu.
"Vào ngày 4/3, chúng tôi sẽ thảo luận về khối lượng xuất khẩu bị hạn chế của mỗi quốc gia và khoảng thời gian thích hợp để áp dụng biện pháp này", ông Grisada Boonrach, Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan, phát biểu trong một cuộc hội thảo.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng gợi ý rằng việc ngăn chặn xuất khẩu có thể bị trì hoãn.
"Nếu chúng tôi quyết định (vào ngày 4/3) rằng biện pháp này là không cần thiết, chúng tôi có thể trì hoãn kế hoạch", ông cho biết.
Giá cao su tự nhiên dao động ở mức thấp trong suốt năm 2018 và đầu năm nay, ba quốc gia cho hay trong tuyên bố chung.
Giá cao su giao trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo xuống mức thấp nhất 27 tháng vào tháng 11/2018 vì lo ngại về tình trạng dư thừa của nguồn cung toàn cầu, trong khi giá cao su RSS3 của Thái Lan cũng chạm đáy gần ba năm trong khoảng thời gian đó.
Động thái đưa ra hôm 22/2 là lần thứ 6 tổ chức tuyên bố kế hoạch hạn chế xuất khẩu cao su tự nhiên. Biện pháp được đưa ra theo sau một thỏa thuận vào cuối năm 2017 nhằm giảm 350.000 tấn cao su xuất khẩu trong ba tháng.
Ngoài việc hạn chế xuất khẩu, tổ chức cũng đồng ý cố gắng thúc đẩy tiêu thụ nội địa một lượng đáng kể cao su tại cả ba quốc gia thông qua những dự án phát triển con đường bọc cao su.