|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các khoản cho vay nghìn tỷ chưa hẹn ngày thu hồi của BIDV

08:00 | 20/08/2016
Chia sẻ
Những khoản vay hàng nghìn tỷ của Hoàng Anh Gia Lai, PVTex, Khoáng sản Na Rì chưa rõ thời điểm thu hồi bởi tình hình tài chính bết bát của các "con nợ".
cac khoan cho vay nghin ty chua hen ngay thu hoi cua bidv

Ngày 1/9 tới đây, ông Trần Bắc Hà sẽ rời nhiệm sở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sau 8 năm giữ chức Chủ tịch và hơn 30 năm gắn bó với nhà băng này.

Dưới thời vị Chủ tịch này, BIDV vẫn giữ vững vị trí là một trong những ngân hàng lớn nhất cả nước, đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, mở rộng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, BIDV cũng có những khoản nợ hàng nghìn tỷ tiềm tàng nhiều rủi ro.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016, tại thời điểm 30/6, Ngân hàng có tổng nợ xấu là 13.184 tỷ đồng, chiếm hơn 2% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Khoản vay của Hoàng Anh Gia Lai

Tại cuộc gọp đại hội cổ đông thường niên hồi cuối tháng 4/2016 của BIDV, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, nếu tính cả khoản cho vay tín dụng đơn thuần và phát hành trái phiếu thì BIDV và công ty con cho Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nợ lên đến 10.500 tỷ đồng. Trong khi đó, tình hình tài chính của HAGL lại có chiều hướng đi xuống, buộc Ngân hàng Nhà nước phải thông qua phương án tái cơ cấu nợ cho HAGL.

Số nợ lớn của doanh nghiệp Phố Núi khiến Chủ tịch Trần Bắc Hà phải lên tiếng "trấn an" cổ đông. "HAGL quan hệ với BIDV 20 năm nay, vay trả song phẳng nhưng do tình hình thị trường nên có chậm. Khi họ khó khăn, cả 10 ngân hàng cho vay đều thấy cần trách nhiệm đồng hành hỗ trợ", ông Hà nói.

Hiện tại, HAGL chưa công bố báo cáo tài chính quý II cũng như chưa họp ĐHĐCĐ thường niên 2016. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất của HAGL, tại thời điểm 31/3/2016, các khoản vay từ BIDV gần như không xê dịch.

Liên lụy bởi đại án của Phạm Công Danh

Theo hồ sơ vụ án đang xét xử, Phạm Công Danh đã dùng 3.070 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng (nơi Phạm Công Danh từng làm Chủ tịch) gửi sang BIDV. Sau đó, Danh đã chỉ đạo lập hồ sơ vay của 12 công ty để vay BIDV 4.700 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là bất động sản và tiền gửi của VNCB tại BIDV. Toàn bộ số tiền vay, Danh dùng cho mục đích cá nhân là tăng vốn điều lệ của VNCB và chi tiêu cho Tập đoàn Thiên Thanh.

Đáng lưu ý, theo cáo trạng, Danh đã chỉ đạo lựa chọn các công ty mà Danh thành lập trước đó đứng tên vay vốn và nhờ nhân viên, bảo vệ… thậm chí người không biết chữ đang làm ở Tập đoàn Thiên Thanh hoặc người nhà của họ đứng tên giám đốc, người đại diện theo pháp luật.

Các công ty này không hề có hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng như mục đích sử dụng vốn đã khai với BIDV, toàn bộ hồ sơ vay đều được lập khống. BIDV đã giải ngân 4.700 tỷ đồng cho các công ty này. Sau đó Phạm Công Danh lại rút tiền từ VNCB để trả nợ gốc và lãi cho BIDV.

Khoản nợ của Khoáng sản Na Rì (KSS)

KSS bị hủy niêm yết trên HOSE từ ngày 12/8 với giá ngày cuối cùng ở sàn chỉ còn 800 đồng, đã khiến không chỉ nhà đầu tư mà còn các chủ nợ ngân hàng, trong đó có BIDV liên lụy.

Tại thời điểm cuối năm 2015, KSS vay nợ BIDV chi nhánh Bắc Kạn 948 tỷ đồng, gấp 2 lần vốn điều lệ của chính công ty này. Với tình hình doanh nghiệp hiện tại, khả năng trả nợ của KSS thực sự mơ hồ. Báo cáo tài chính của KSS bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến do không thể xác định được tính đúng đắn của các khoản công nợ phát sinh đến thời điểm 1/1/2015.

Đơn vị kiểm toán cũng lưu ý đến khoản tài sản thiếu chờ xử lý hơn 250 tỷ đồng của KSS, bao gồm giá trị hàng tồn kho 242,6 tỷ và khoản đầu tư vào Công ty TNHH MTV Chợ Bắc Kạn 8,2 tỷ đồng.

Khoản nợ của PVTex

Hợp đồng tín dụng với BIDV và một số ngân hàng đối với Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex) ghi nhận mức nợ 221,3 triệu USD.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Công Thương lên Chính phủ hồi tháng 3/2016 cho biết, tình hình tài chính của PVTex hết sức khó khăn do thiếu vốn lưu động và không có nguồn để trả các khoản nợ đến hạn. Thậm chí nhà máy có nguy cơ phá sản.

Cụ thể, báo cáo của PVN cho biết, PVTex lỗ 1.085 tỷ đồng năm 2014 và 1.255 tỷ đồng trong năm 2015. Vốn chủ sở hữu âm 504 tỷ đồng.

Làm ăn thua lỗ khiến PVTex phải dừng vận hành từ ngày 17/9/2015 đến nay, nhiều nhân sự phải nghỉ việc tạm thời. Tình hình tài chính của công ty theo đó cũng đang cạn kiệt, mất cân đối lớn và không đủ nguồn vốn trả nợ đến hạn. Vì vậy, khả năng trả nợ của PVTEx với khoản vay tại BIDV sẽ là một dấu chấm hỏi lớn.

Minh Hương