|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các hãng xe công nghệ tranh 'miếng bánh' 1,1 tỉ USD

17:30 | 06/10/2019
Chia sẻ
Cách phổ biến nhất để 'xí' phần trong miếng bánh 1,1 tỉ USD của các ứng dụng tại thị trường Việt Nam là tập trung vào mảng gọi thức ăn và dịch vụ tài chính.

Báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co mới công bố gần đây cho biết, thị trường gọi xe tại Việt Nam đạt quy mô 1,1 tỉ USD vào năm nay, tăng hơn 5 lần so với thời điểm cách đây mới 4 năm.

Xét trong 6 quốc gia Đông Nam Á được nghiên cứu gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam thì quy mô thị trường gọi xe ở Việt Nam đang đứng hàng thứ tư, lần lượt sau Indonesia, Singapore và Thái Lan. 

Báo cáo dự báo, đến năm 2025, quy mô thị trường gọi xe Việt Nam sẽ đạt mức 4 tỷ USD, tiếp tục giữ vị trí thứ 4, đồng hạng với Philippines.

Gọi xe là một trong 4 thành phần của nền kinh tế Internet. Tương tự với toàn khu vực, mảng gọi xe ở Việt Nam đang có quy mô thị trường nhỏ nhất so với thành phần còn lại trong nền kinh tế Internet, bao gồm thương mại điện tử (4,6 tỷ USD), truyền thông trực tuyến (2,8 tỷ USD) và du lịch trực tuyến (4,1 tỷ USD). 

Tuy nhiên, gọi xe là mảng đang phát triển rất tốt và đầy triển vọng.

Mới 4 năm trước, mảng gọi xe đơn thuần là một nền tảng di động dùng đặt dịch vụ đi lại. Tuy nhiên, các nền tảng gọi xe giờ bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau. Trong đó, động lực tăng trưởng chính đến từ giao thức ăn và dịch vụ tài chính.

"Grab và Go-Jek là những người đi đầu trong lĩnh vực giao thức ăn trực tuyến. Dịch vụ nhanh chóng trở thành nhân tố đóng góp vào tăng trưởng và lợi nhuận của họ", nghiên cứu nhận xét.

Ở thị trường Việt Nam, Grab và Go-Jek, thông qua Go-Viet, cũng so kè khá quyết liệt trong mảng giao thức ăn. Lĩnh vực này được xem là 'chảo lửa' mới khi dịch vụ vận chuyển người và giao hàng trở thành dịch vụ cơ bản mà nền tảng nào cũng có. 

Thậm chí, Vato cũng đang chuẩn bị chính thức tham gia giao thức ăn, 'be' cũng úp mở về ngày 'tham chiến', bất chấp thị trường còn có những tên tuổi chuyên giao đồ ăn như Now hay Beamin.

"Giao thức ăn đã thay đổi cơ bản trong hành vi của người tiêu dùng kể từ năm 2018. Từ một dịch vụ đôi khi chỉ được sử dụng bởi một nhóm nhỏ nay đã phổ biến đối với người bận rộn, các gia đình cần bữa ăn hàng ngày hay dịp đặc biệt", báo cáo nói rằng giao thức ăn đặc biệt phổ biến ở khu vực đô thị.

Với dịch vụ tài chính, dù người Việt Nam vẫn chi tiêu tiền mặt và tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua kênh trực tiếp là chủ yếu nhưng triển vọng trực tuyến là không nhỏ. Nghiên cứu cho biết  50% người Việt Nam đã tìm hiểu trực tuyến trước khi quyết định mua một gói dịch vụ tài chính ngoại tuyến.

Chính vì thế, Grab tập trung các khuyến mại và ưu đãi lớn nhất dành cho khách hàng sử dụng Moca, 'be' thì nhanh chóng bắt tay với VPBank, Go-Viet thì rục rịch tuyển người để chuẩn bị cho ví điện tử sẽ ra mắt, FastGo thì có ví Vimo.

Tuy nhiên, để 'đánh chiếm' thị phần trong miếng bánh 1,1 tỷ USD, và sớm sẽ to thành 4 tỷ USD, mỗi nền tảng cũng có hướng đi riêng. Grab ngoài tập trung vào mảng giao thức ăn thì đã nâng cấp việc khuyến mãi lên bán các gói ưu đãi cho người dùng, tặng tiền cho khách khi tài xế huỷ cuốc.

'be' và Fastgo vẫn kiên trì theo con đường ổn định giá giờ cao điểm. Riêng Fastgo còn 'bắt tay với người khổng lồ' khi ký kết thoả thuận cùng Vingroup để bước đầu đưa 1.500 xe VinFast Fadil vào cung cấp dịch vụ gọi xe.

Go-Viet có năm đầu tham gia thị trường gọi xe khá bận rộn với công việc nội bộ, khi lần lượt 2 CEO phải ra đi. Ứng dụng này vẫn còn đang chậm chân ở mảng tài chính và cũng chưa tung ra mảng gọi xe ôtô. Tuy nhiên, lợi thế của Go-Viet là giá cước thuộc nhóm rẻ nhất và khuyến mại giao đồ ăn quyết liệt.

Một số tên tuổi khác ngoài bộ tứ kể trên cũng đang cần mẫn tìm cách 'xí phần' miếng bánh 1,1 tỷ USD. Vato tháng rồi gây chú ý với đợt gọi xe đồng giá 8.000 đồng. Hàng loạt tài xế và nhân viên Vato xuất hiện tại một số trung tâm thương mại đông đúc ở TP HCM để tạo hình ảnh và giới thiệu các ưu đãi cho khách hàng.

MyGo với hệ sinh thái đồ sộ của Viettel cũng sẽ là một đối thủ tiềm năng trong tương lai, dù giai đoạn bắt đầu có giá cước cao và không tập trung làm khuyến mãi. Về phía Tada, ứng dụng này vẫn tập trung vào mảng gọi ôtô, hoạt động chính trong phạm vi các quận trung tâm TP HCM và quận 7. 

Giá cước của Tada ở mức trung bình, khuyến mãi đều dặn và không nhân giá đáng kể giờ cao điểm.

Google và Temasek cho rằng, các công ty gọi xe đã tăng cường nỗ lực bằng cách tăng cường đào tạo, tuyển dụng lái xe cũng như mở rộng đối tác để thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của người dùng.

Các công ty cũng đang ở giai đoạn bắt đầu hướng đến lợi nhuận. Nhiều đơn vị đã đầu tư mạnh vào việc xây dựng các chương trình khách hàng trung thành trong bối cảnh cạnh tranh cao.

"Mượn ý tưởng từ các hãng hàng không, chuỗi khách sạn và các công ty thẻ tín dụng, họ đã bắt đầu cung cấp các chương trình tích lũy điểm, thành viên theo cấp độ, khuyến mãi độc quyền và một loạt các tùy chọn đổi quà. 

Chúng được xem như cách bền vững và hiệu quả hơn để thúc đẩy tăng trưởng liên tục, so với các chương trình khuyến mại ngắn hạn", nghiên cứu nhận xét.

Viễn Thông