|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Các doanh nghiệp nói về nguyên nhân có trong danh sách chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu

15:38 | 02/03/2023
Chia sẻ
Sau khi danh sách 54 công ty chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu được HNX công bố, đã có nhiều doanh nghiệp gửi văn bản giải trình. Trong đó, có công ty cho biết mình đã thanh toán đúng hạn nhưng lỗi trong quá trình nhập liệu dẫn đến việc công bố thông tin không chính xác.

Ngày 21/2, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra thông báo về danh sách các tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Theo danh sách, có 54 công ty trong thời gian trên đã có thông báo về việc chậm thanh toán gốc lãi trái phiếu, phần lớn trong đó là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản – xây dựng.

Ngay sau các văn bản trên, nhiều doanh nghiệp đã lần lượt gửi văn bản giải trình, đính chính tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến HNX. 

CTCP Đầu tư Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - Mã: SCR) gửi văn bản thông báo doanh nghiệp đã hoàn tất thanh toán gốc, lãi của trái phiếu SCRBOND2019. Lô trái phiếu trên đáo hạn vào ngày 22/11/2022 và doanh nghiệp đã hoàn tất thanh toán gốc, lãi ngày 23/11/2022. Doanh nghiệp cho biết không còn dư nợ trái phiếu tại ngày 23/2.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của TTC Land cho thấy doanh nghiệp không còn dư nợ trái phiếu tại cuối năm 2022. (Nguồn: TTC Land).

CTCP Quốc tế Sơn Hà (Mã: SHI) cũng gửi văn bản giải trình, cho biết doanh nghiệp hiện có duy nhất một lô trái phiếu mã SHIH2124001 và trái phiếu này có một trái chủ duy nhất.

Ngày 21/12/2022, doanh nghiệp đã gửi công văn đề xuất mua lại trước hạn trái phiếu trên và được trái chủ chấp thuận qua công văn phản hồi ngày 24/12/2022.

Doanh nghiệp đã thực hiện mua lại trước hạn 15% tổng giá trị trái phiếu phát hành (tương ứng 42 tỷ đồng) theo đúng lộ trình vào ngày 18/1. Đồng thời, theo lộ trình mới, doanh nghiệp sẽ hoàn tất mua lại lô trái phiếu trên sớm hơn 7 tháng so với theo hợp đồng cũ.

Công ty cũng khẳng định không chậm trả gốc, lãi và cam kết luôn thanh toán theo đúng lộ trình.

Lịch mua lại trái phiếu của Quốc tế Sơn Hà sau khi thống nhất với trái chủ. (Nguồn: Quốc tế Sơn Hà).

CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (tcông ty con của Đất Xanh) cho biết doanh ngiệp có gói trái phiếu mã HAAN201910-07 phát hành ngày 23/10/2019 và đáo hạn ngày 23/10/2022.

Tuy nhiên, ngày 23/10/2022 (là chủ nhật) không phải ngày làm việc nên theo điều khoản, ngày đáo hạn được xác định là ngày làm việc tiếp theo tức ngày 24/10/2022.

Doanh nghiệp đã tiến hành thanh toán gốc và lãi của trái phiếu trên vào ngày 24/10/2022. Tuy nhiên, do lỗi kỹ thuật lúc chuyển tiền nên đến ngày 26/10/2022, Hà An mới hoàn tất thanh toán toàn bộ tiền gốc trái phiếu.

CTCP Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát có văn bản công bố trong giai đoạn từ ngày 1/10/2022 đến ngày 22/12/2022, doanh nghiệp có phát sinh việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu và đã thông báo, thoả thuận với các trái chủ.

Với trái phiếu APC_BOND_01_Đ1, công ty chậm thanh toán lãi 18 ngày so với kế hoạch là ngày 8/10/2022. Trái phiếu APPCH2124001, doanh nghiệp chậm thanh toán lãi 3 ngày so với kế hoạch thanh toán vào ngày 14/12/2022.

Bên cạnh đó, công ty khẳng định, đến thời điểm hiện tại, đã thanh toán đầy đủ khoản lãi đến hạn của các trái phiếu nêu trên.

CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) trong các ngày 22/12/2022, 29/12/2022 và 12/1/2023 đã thực hiện công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Trong đó, trái phiếu mã TVSI_TP_0118 phát hành ngày 26/9/2018, đáo hạn ngày 26/9/2023 và tổng giá trị trái phiếu phát hành theo mệnh giá là 260 tỷ đồng. Tính đến ngày báo cáo, dư nợ gốc trái phiếu này còn 493 tỷ đồng và công ty chưa thể thực hiện mua lại trước hạn toàn bộ, do không liên lạc được với nhà đầu tư. Công ty dời ngày thực hiện mua lại sang 26/12/2022.

Mã trái phiếu TSICH2126001 có dư nợ gốc đến ngày báo cáo là 40 tỷ đồng. Chứng khoán Tân Việt lùi ngày mua lại toàn bộ dư nợ của lô trái phiếu trên sang ngày 8/3/2023 do chưa có nguồn tiền để chi trả.

Công ty cho biết, trái chủ của trái phiếu này là Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (công ty con của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB) và Chứng khoán Tân Việt đang bị phong toả 1.613 tỷ đồng tại SCB tính đến ngày 22/12/2022, nên chưa có nguồn tiền để chi trả. 

Tuy nhiên, theo văn bản đính chính vào ngày 24/2, Chứng khoán Tân Việt cho biết những nội dung nói trên thể hiện không đúng nội dung đã được công ty thông qua và dự kiến công bố do sơ suất trong quá trình nhập liệu.

Văn bản đính chính cho biết, đơn vị đã thanh toán đúng hạn toàn bộ vấn đề gốc, lãi của hai mã trái phiếu nói trên. Đồng thời, Chứng khoán Tân Việt đề nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước; Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cập nhật thông tin

Đăng Nguyên

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.