Các chỉ tiêu vĩ mô trong 2 tháng đầu năm đều vượt so với kế hoạch
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng cho biết, các chỉ tiêu vĩ mô đều tốt hơn con số đã báo cáo trước Quốc hội, đặc biệt nợ công, thu chi ngân sách, dự trữ và các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt chúng ta đã thắng lợi về thực hiện mục tiêu kép.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,64%. Tuy nhiên, CPI tháng 2/2021 tăng 1,5% so với tháng trước, đây là mức cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây và tăng 1,56% so với tháng 12/2020.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng 2/2021 diễn biến tương đối thuận lợi, nhiều mặt hàng được mùa, được giá.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 7,1%). Nhiều sản phẩm tăng mạnh như tivi các loại tăng 61,5%; linh kiện điện thoại tăng 55,7%; thép cán tăng 47,3%...
Nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu dồi dào; giá cả được giữ ổn định; hàng hóa đa dạng, phong phú. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).
Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cả nước có 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký là 334.000 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172.800 lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký.
"Tại nhiệm kỳ này, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc giao thời, chúng ta tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, làm đến phút cuối cùng", Thủ tướng nói.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, đón bắt thời cơ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cũng như năm 2021. Trước hết là tập trung quán triệt, nghiên cứu, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Bày tỏ chia sẻ với những ngành hàng không, dịch vụ, du lịch đang gặp bế tắc, một số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, Thủ tướng nêu rõ, phải khắc phục được tình trạng một số doanh nghiệp khó khăn, đặc biệt các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, bán lẻ.
Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,5% như Nghị quyết của Chính phủ đã báo cáo. Nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút có sàng lọc nguồn vốn FDI có chất lượng.
Giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ rất quan trọng, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm bố trí một cuộc đôn đốc kiểm tra giải ngân đầu tư công cũng như vốn ODA.
Thủ tướng cũng đề nghị sớm chuẩn bị các báo cáo về nhân sự, phát triển kinh tế - xã hội... để trình kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV, dự kiến diễn ra từ cuối tháng 3. Trong đó, Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu để đề xuất phương án nhân sự.