Cả thị trường địa ốc lao đao vì 1 văn bản
60 khu đất đã được chuyển mục đích sử dụng để đầu tư dự án trải dài từ Bắc tới Nam mà Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ chuyển Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra đất đai theo kế hoạch năm 2017 đang khiến thị trường địa ốc chao đảo, người mua nhà hoang mang.
Điều đáng nói, câu chữ nhập nhèm trong công văn số 2000/BTC – TTr gửi Thủ tướng Chính phủ cũng khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Quá nhiều hệ lụy
Văn bản của Bộ Tài chính dẫn số liệu của Tổng cục Thuế rà soát từ ngày 1/7/2014 đến ngày 30/11/2016 có 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nhà Nước cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên các doanh nghiệp này không tính giá trị quyền sử dụng đất vào việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa và không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa.
Ngoài ra, việc thực hiện sắp xếp lại cơ sở nhà đất được UBND tỉnh, thành phố cho chuyển mục đích để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán nhưng không thực hiện đấu giá theo quy định của Luật Đất đai.
Để xử lý các tồn tại trong quản lý và sử dụng đất đai, Bộ Tài chính đã công văn số 2000/BTC – TTr gửi Thủ tướng Chính phủ chuyển Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra đất đai theo kế hoạch năm 2017 đối với dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Thị trường bất động sản đang lao đao sau công văn của Bộ Tài chính |
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá và phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng thẩm quyền.
Việc Bộ Tài chính nêu tên 60 dự án có nghi vấn làm thất thu ngân sách Nhà nước đang khiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lao đao. Những ngày qua, các công ty địa ốc tại TP.HCM phải bố trí thêm người để giải đáp thắc mắc của khách hàng.
“Người dân mua nhà có tên trong danh sách 60 dự án rất lo lắng. Họ lo sợ dự án bị tạm ngừng thi công sẽ ảnh hưởng tới tiến độ rồi sau này có được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không”, đại diện một doanh nghiệp nói.
Điều các doanh nghiệp lo lắng nhất là Bộ Tài chính cũng kiến nghị tạm thời đình chỉ thi công các dự án, dù chưa biết có thất thu tiền ngân sách hay chưa. Việc này sẽ để lại hậu quả nặng nề cho thị trường bất động sản lẫn người mua nhà, giống như lúc TP.HCM công bố 77 dự án bị thế chấp ở các ngân hàng.
Hơn nữa, nếu chưa thanh tra mà đã đình chỉ dự án và chỉ ra những sai phạm thì thời gian đó phải tính bằng năm. Trong khi đó, dự án chỉ cần dừng thi công khoảng một năm là chất lượng công trình xuống và doanh nghiệp bị thiệt hại là điều khó tránh khỏi.
Trong thời gian bị đình chỉ thi công, không chỉ lao động trực tiếp mất việc mà hàng chục ngàn nhân công của các nhà thầu liên quan cũng bị liên lụy. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhân sự về kiến trúc sư, kỹ sư, nhân viên văn phòng, thư ký, quảng cáo, marketing làm trong ngành bất động sản rất nhiều. Ngoài ra còn có công nhân trong ngành thép, gạch, xi măng và vô số các ngành hóa chất dùng để xây dựng công trình lớn.
Hầu hết các dự án đều vay vốn ngân hàng để xây dựng, khách hàng cũng vay tiền của ngân hàng để mua nhà. Dự án bị đình chỉnh, nợ xấu của doanh nghiệp và cả ngân hàng sẽ càng to. Thị trường bất động sản vốn đã chững lại trong những tháng đầu năm 2017 sẽ càng bị ảnh hưởng xấu. Nếu sau khi thanh tra, không phát hiện sai phạm thì những tổn thất của doanh nghiệp ai sẽ đền bù?
Doanh nghiệp vô can
Điều đáng nói, hầu hết các dự án mà Bộ Tài chính nêu tên đều đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và một số dự án khác đã bàn giao nhà cho khách hàng. Chẳng hạn, dự án Thương mại dịch vụ văn phòng office-tel và căn hộ tại 128 Hồng Hà, quận Phú Nhuận đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính, xây dựng xong và đang tiến hành nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
Còn dự án Khu thương mại dịch vụ văn phòng office-tel và căn hộ tại 8 Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận cũng đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và chuẩn bị nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng nhưng Bộ Tài chính vẫn nêu tên còn nợ gần 30,4 tỉ đồng.
Bất động sản có sự liên quan đến hàng loạt ngành nghề khác nên việc kiến nghị đình chỉ thi công 60 dự án sẽ để lại hệ quả nặng nề |
Tương tự, dự án Cao ốc thương mại dịch vụ và căn hộ ở số 504, Nguyễn Tất Thành, quận 4 đang hoàn thiện để chuẩn bị giao nhà. Đất làm dự án này được chuyển từ đất sản xuất kinh doanh qua đất xây cao ốc thương mại dịch vụ và căn hộ với số tiền sử dụng đất phải đóng hơn 103 tỉ đồng. Doanh nghiệp Nhà nước đã chuyển nhượng đất cho Vietcomreal làm dự án là Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, việc định giá đất như thế nào trong vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là chuyện của Nhà nước chứ không phải các doanh nghiệp làm sai. Quy trình thẩm định giá đất, đóng tiền sử dụng đất bao nhiêu thuộc về các cơ quan chức năng, doanh nghiệp không có quyền can thiệp. Các công ty bất động sản đi làm dự án, Nhà nước báo cần nộp bao nhiêu tiền theo định giá đất thì nộp thôi. Doanh nghiệp không hề sai phạm và vô can trong chuyện này.
“Sở Tài chính là đại diện của Bộ Tài chính tại các địa phương. Quá trình định giá đất, đóng tiền sử dụng đất đều có ý kiến của Sở Tài chính. Cái sai trong chuyện này thuộc về Nhà nước”, ông Quang nói.
Chuyên gia này cho biết thêm, câu hỏi đặt ra là tại sao khi dự án đang trong quá trình xin thủ tục đầu tư, từ việc định giá đất, thẩm định quy hoạch, cấp phép xây dựng thì Bộ Tài chính và các Sở Tài chính không kiểm tra để phát hiện sai phạm. Khi dự án đã thi công, nộp nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước và bàn giao nhà khách hàng lại kiến nghị dừng thi công.
Ông Quang trấn an, 60 dự án trên chỉ là danh sách tham khảo. Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ chuyển Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra đất đai theo kế hoạch năm 2017 là chuyện hết sức bình thường. Đây chỉ là đề nghị chứ không phải là quyết định thanh tra.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết đã gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện doanh nghiệp phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra của cơ quan có thẩm quyền. Điều này giúp các doanh nghiệp hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà.
“Người mua nhà đã ký hợp đồng mua bán nằm trong danh sách 60 dự án là bên không có lỗi nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án”, ông Châu nói.
Về lâu dài, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM mong Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007, Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008, Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 để tạo hành lang pháp lý minh bạch và bình đẳng để thực hiện chủ trương sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy hoạch xây dựng đô thị.